(Congannghean.vn)-Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, hoạt động nghiên cứu KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có sự gắn bó giữa sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hàng trăm đề tài được triển khai qua các năm đã giúp các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khai thác, sử dụng trong thực tiễn và trở thành “chìa khóa” để các ngành, địa phương phát triển.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, cấp ủy các cấp cùng cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, triển khai đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã tập trung coi trọng thu hút, triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, nhiều nghiên cứu, xây dựng các mô hình kỹ thuật cao được ứng dụng trong trồng trọt như: Thâm canh lúa cải tiến RI ở các huyện Nghi Lộc, Quỳ Hợp, năng suất vượt từ 15% - 20%; các mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây cam ở vùng Phủ Quỳ - miền Tây Nghệ An; mô hình đưa giống lúa chịu lạnh (Japonnica) phù hợp với điều kiện khí hậu ở huyện Quế Phong.
Ứng dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây cam trên địa bàn huyện Quế Phong |
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng phát triển các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các huyện Yên Thành, Anh Sơn... tạo tiền đề quan trọng để các địa phương nhân rộng, tạo ra khối lượng hàng nông sản chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo của Sở KH&CN Nghệ An, trong năm 2015 đã có 102 đề tài, dự án KH&CN được triển khai thực hiện. Ngành KH&CN đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), y dược, quản lý Nhà nước... Phát triển các sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tiêu biểu như mô hình chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện Quế Phong, doanh thu đạt 400 triệu đồng/ha; mô hình thanh long ruột đỏ; giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa được cấp bằng bảo hộ công nghiệp giống cây trồng là sản phẩm giàu vi chất omega 3, 6, 9, sử dụng cho người tiểu đường; các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; nhân giống cây rễ hương đảm bảo nguyên liệu phát triển sản phẩm hương trầm; phục tráng giống đậu tương Nam Đàn... Ngoài ra, chương trình bảo tồn quỹ gen, phát triển tài sản trí tuệ được triển khai theo hướng mới trong sản xuất sản phẩm đặc thù thành sản phẩm hàng hóa.
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Các đề tài, dự án khoa học mà ngành đã chuyển giao cho nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh đều tập trung vào việc nghiên cứu, lựa chọn những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các địa phương, vùng, miền nên đã phát huy hiệu quả tích cực.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, thời gian tới, ngoài việc tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, các quy định về việc triển khai thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi khi tham gia nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN sẽ tiến hành các thủ tục thẩm định và phê duyệt các đề tài, nghiên cứu, phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp huyện. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách về KH&CN, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nghị quyết về KH&CN.
Trong đó, tập trung đầu tư cho các đề tài, chương trình trọng điểm: Nông lâm ngư nghiệp, y tế, KHXH&NV; khuyến khích các lĩnh vực khác tăng cường xã hội hóa. Ưu tiên các đề tài, dự án theo chuỗi, gắn với người dân, doanh nghiệp, phục vụ các định hướng chiến lược của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng hoạt động KH&CN là đầu mối tuyên truyền chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và định hướng cho các doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng KH&CN…