Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201601/lao-gan-hien-dat-xay-dung-nong-thon-moi-655468/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201601/lao-gan-hien-dat-xay-dung-nong-thon-moi-655468/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
"Lão gàn" hiến đất xây dựng nông thôn mới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 04/01/2016, 08:30 [GMT+7]

"Lão gàn" hiến đất xây dựng nông thôn mới

Khi chiến dịch vận động bà con hiến đất làm đường đang “bí bách” thì nhân lúc vợ con vắng nhà, ông đã huy động máy móc đến phá cả vườn cây ăn quả, hiến tặng gần 200 m2 diện tích đất mặt tiền. Ban đầu, việc làm “không giống ai” của ông bị mọi người đánh giá là “khùng”, nhất là trong bối cảnh đất đang lên “cơn sốt sình sịch”. Thế nhưng, hành động của ông đã trở thành tiên phong trong phong trào hiến đất. Sau đó, ông và gia đình vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, động viên.

Cái tên “lão gàn” mà bà con nhân dân xóm 7, xã Nghi Liên, TP Vinh vẫn thường gọi là biệt danh của ông Nguyễn Văn Chương (SN 1963), thương binh 1/4, người đã để lại một phần cơ thể trong lúc làm nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng tại nước bạn Campuchia từ hơn 30 năm về trước. Trở về đời thường, dù cuộc sống còn khó khăn, bản thân bệnh tật, đau ốm thường xuyên, nhưng phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ, ông Chương luôn tiên phong trong các phong trào của địa phương và góp sức xây dựng quê hương. Việc làm thiết thực nhất gần đây của ông là hiến tặng 175 m2 đất vườn để mở rộng đường theo chuẩn nông thôn mới.

Gia đình ông Chương chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Chủ tịch nước                                   Trương Tấn Sang về thăm
Gia đình ông Chương chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm

Chất lính giữa đời thường

Năm 1984, vừa bước sang tuổi 21, Nguyễn Văn Chương đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, được giao nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Campuchia, thuộc Sư đoàn 309, Tiểu đoàn 812, Đại đội 11. Cũng trong năm đó, ông tham gia chiến dịch mùa khô 1984 - 1985 và trong một lần bị phục kích bất ngờ, ông Chương cùng nhiều đồng đội khác vướng phải mìn. Bản thân ông phải cắt bỏ chân trái ngay giữa trạm quân y dã chiến ở chiến trường. Sau đó, ông Chương trở về với đôi nạng gỗ, được chuyển ra Bắc, về Đoàn an dưỡng 200 Quân khu 4, nơi chăm sóc thương binh nặng tại huyện Nghĩa Đàn.

Ông Chương khẳng định:
Ông Chương khẳng định: "Đất vẫn ở đó nhưng đưa ra dùng chung, như vậy mới phát huy giá trị"

Tưởng chừng phần đời còn lại sẽ gắn bó với nơi đây, với những phận người “hao khuyết” bởi chiến tranh thì bất ngờ hạnh phúc đã tìm đến ông. Những ngày ở trại thương binh, ông Chương gặp và đem lòng yêu mến chị Lê Thị Duyên, người con gái xứ Thanh theo bố mẹ vào đây công tác. Cảm thương với anh thương binh trẻ ngày ngày tập tễnh trên đôi nạng gỗ nhưng vẫn vui sống và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống, chị Duyên đã tìm cách thuyết phục bố mẹ để rồi gắn trọn đời mình với chàng trai xứ Nghệ. Thời điểm ấy là vào năm 1989, hai vợ chồng quyết định trở về quê sinh sống, bắt tay xây dựng cuộc sống mới với tinh thần “tàn nhưng không phế”.

Hai vợ chồng lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng may mắn là có được mảnh đất mà cha ông để lại. Dù phải di chuyển bằng chân giả, ông Chương vẫn không nề hà bất cứ việc gì, ai kêu gì làm nấy. Còn vợ ông mở quán bán bánh mướt, hàng xáo, thậm chí “chạy chợ”. Trong khốn khó, hạnh phúc đã nở hoa khi 4 đứa con khỏe mạnh lần lượt chào đời. Để đỡ đần vợ, ông đào ao thả cá và kiêm cả chăn nuôi. Cuộc sống tuy vất vả nhưng đầy ắp tiếng cười.

Chuyến thăm bất ngờ của Chủ tịch nước

Năm 2013, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai về đến xã Nghi Liên, để sớm “về đích”, chủ trương của chính quyền là vận động nhân dân hiến đất làm đường, trong đó có con đường huyết mạch chạy qua xóm 7, mở rộng từ 5 m lên 7 m. Thời điểm đó, giá đất đang “sốt sình sịch” nên việc hiến đất làm đường gần như không nhận được sự ủng hộ của người dân. Trong nhiều cuộc họp xóm, không ai tự nguyện hiến đất bởi theo họ “tấc đất là tấc vàng”.

Đoạn đường nông thôn mới được mở rộng từ phần đất ông Chương hiến tặng
Đoạn đường nông thôn mới được mở rộng từ phần đất ông Chương hiến tặng

Ông Chương nhớ lại, đó là một cuộc họp khá căng thẳng, có lãnh đạo UBND xã về dự. Sau khi thông báo chủ trương xây dựng nông thôn mới của Nhà nước, qua thảo luận, tiêu chí mở rộng con đường chính của xóm được đặt lên hàng đầu. Nhà nước hỗ trợ một phần vật liệu nhưng không đền bù thiệt hại về đất đai, cây cối. Đa phần nhân dân đều muốn con đường được mở rộng, nhưng lại tiếc những cây trồng lâu năm trên đất của mình. Khi cuộc họp đang hồi căng thẳng nhất, ông Chương đã đứng lên phát biểu, xung phong hiến đất vườn nhà mình để mở đường. “Khi thấy tôi có ý kiến, bà con cũng bàn tán ghê lắm, nhiều người nói tôi hâm, gàn dở, nhưng tôi chỉ nghĩ, xương máu hy sinh vì Tổ quốc tôi còn không tiếc thì vài trăm mét đất có nghĩa lý gì. Chủ trương của Nhà nước là mở rộng đường, mà mở rộng là để phục vụ cuộc sống của bản thân mình và để con cháu sau này được thụ hưởng. Thế nên không có gì phải đắn đo, suy tính”, ông Chương chia sẻ. Ông còn “bật mí” với tôi, lúc đó, vì thấy việc hiến đất khó khăn nên ông “quyết liều” vậy, chứ bản thân chưa hề bàn bạc gì với vợ con.

Ngay sáng hôm sau, nhân lúc vợ ra chợ và các con đang đi học, ông đã gọi cán bộ chính quyền địa phương đến đo đạc đất đai rồi huy động máy móc đến san bằng ao cá cùng rất nhiều cây ăn quả lâu năm, tổng diện tích là 175 m2. Ban đầu, thấy nhà mình “bỗng dưng” mất đất, bà Duyên và các con cũng có sự băn khoăn, thắc mắc, nhưng sau khi nghe ông Chương giải thích, hiểu rằng đó là việc làm vì cộng đồng, nên ai cũng ủng hộ, tán thành. Điều quan trọng hơn là, việc làm của ông Chương đã tạo ra hiệu ứng xã hội rất lớn. Từ chỗ “lời ra tiếng vào”, sau khi hiểu rõ ý nghĩa của việc làm trên, nhiều người đã tình nguyện hiến đất mở đường. Chính bởi vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, con đường “huyết mạch” của xã từ trụ sở UBND xã ra đến Bệnh viện Lao - Phổi Nghệ An ở xã Nghi Vạn (Nghi Lộc) đã được mở rộng thẳng tắp, bê tông hóa kiên cố, góp phần đưa xã Nghi Liên đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 7/2014. Nghi Liên cũng là một trong những địa phương đầu tiên “về đích” nông thôn mới sớm nhất trong toàn tỉnh.

Vinh dự và tự hào hơn là vào tháng 3/2014, đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch nước dẫn đầu đã về thăm, động viên gia đình ông Nguyễn Văn Chương. Chia sẻ với việc làm của người cựu chiến binh già còn mang trên mình những vết thương chiến tranh, đồng chí Chủ tịch nước đã bày tỏ sự cảm mến và trân trọng nghĩa cử cao đẹp của ông Chương và gia đình. Tâm sự với Chủ tịch nước, ông Chương nói rằng: “Gia đình tôi cũng như hàng chục hộ dân khác hiến đất mở đường là để giúp chúng tôi đi lại thuận lợi và về lâu dài, con cháu được thừa hưởng. Đất vẫn ở đó nhưng đưa ra dùng chung, như vậy sẽ phát huy giá trị của nó”.

Giờ đây, ông Chương vẫn đang phải chống chọi với nhiều bệnh tật, những lúc trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức. Thế nhưng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ - “tàn nhưng không phế”, góp sức dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh.


“Ông Nguyễn Công Hà, Chủ tịch UBND xã Nghi Liên cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân các xóm đã hiến trên 3.000 m2 đất ở, đất vườn và 2.000 m2 đất nông nghiệp, ước tính trị giá trên 15 tỉ đồng để làm đường giao thông. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Chương là điển hình, tiên phong trong việc hiến đất để mở đường.

.

Phương Thủy