Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/nghi-dinh-672014nd-cp-giup-ngu-dan-nang-cao-nang-luc-danh-bat-thuy-san-650126/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201512/nghi-dinh-672014nd-cp-giup-ngu-dan-nang-cao-nang-luc-danh-bat-thuy-san-650126/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giúp ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt thủy sản - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 02/12/2015, 14:25 [GMT+7]
Nghị định 67/2014/NĐ-CP

Giúp ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt thủy sản

(Congannghean.vn)-Nhằm từng bước hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao năng lực khai thác thủy sản, nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước đã được ban hành, trong đó có Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014. Đến nay, qua hơn 1 năm triển khai Nghị định, trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân hạ thủy những con tàu theo chủ trương này (còn gọi là tàu 67) và bước đầu mang lại hiệu quả.

Để triển khai các thủ tục pháp lý, thực hiện chủ trương của Nghị định 67, tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo, từng bước giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo cùng sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản, Ngân hàng Nhà nước…

Trong thời gian qua, nhiều cuộc họp bàn đã được triển khai với sự tham gia của đại diện các tổ chức tham gia đánh bắt thủy, hải sản, ngư dân là những chủ tàu trực tiếp vươn khơi, bám biển. Qua thống kê, sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67, trên địa bàn tỉnh đã giải ngân gần 30 tỉ đồng vốn vay đóng tàu công suất trên 400CV cho ngư dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Hoàng Mai, TX Cửa Lò.

Cùng với đó, nhiều hạng mục công trình phục vụ ngành thủy sản như nạo vét cửa biển, lạch luồng tại các địa phương đã được triển khai nhằm giúp tàu cá của ngư dân dễ dàng vào, ra, neo đậu tránh, trú bão. Các hạng mục đầu tư phục vụ công tác hậu cần nghề cá, đầu ra cho ngành thủy sản được quan tâm hoàn thiện hồ sơ thiết kế để trình cấp trên triển khai xây dựng.

Ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển
Ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển

Sau 1 năm triển khai vốn vay theo Nghị định 67, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 75 chủ tàu được UBND tỉnh chấp thuận đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, 35 chủ tàu đã hoàn thiện hồ sơ nộp ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn với tổng giá trị vốn vay gần 30 tỉ đồng. Dự kiến với tổng số hồ sơ chủ tàu được phê duyệt, số vốn giải ngân sẽ lên đến gần 100 tỉ đồng. Trên địa bàn tỉnh đã hạ thủy 6 tàu vỏ gỗ công suất lớn để ngư dân bám biển. Chính sách bảo hiểm nghề cá, tính mạng cho thuyền viên trực tiếp hoạt động khai thác thủy sản trên biển được triển khai đồng bộ tại các địa phương.

Có thể khẳng định, việc thực hiện vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 đã tiếp thêm động lực để ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng tàu to, thuyền lớn để bám biển dài ngày, hiệu quả đánh bắt thủy sản cũng được nâng cao.

Anh Trương Văn Thành, ngư dân trú tại xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa hạ thủy tàu 67 vỏ gỗ công suất gần 900CV cho biết: “Sau khi tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67, gia đình tôi đã chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ liên quan để các cơ quan chức năng thẩm định. Với vốn đối ứng 30%, tôi đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay 5,6 tỉ đồng để đóng mới tàu công suất gần 900CV, với tổng giá trị 8,2 tỉ đồng. Đầu tháng 8, tàu 67 của gia đình tôi hạ thủy sau gần 5 tháng triển khai đóng mới. Sau nhiều chuyến đi biển, đến nay, con tàu đã phát huy hiệu quả đánh bắt thủy sản một cách rõ rệt. Với mỗi chuyến đi biển khoảng 10 ngày, trừ chi phí, chúng tôi thu về 40 - 50 triệu đồng”.

Với thiết kế chiều dài thân tàu 26 m, rộng 7,65 m, cao 3,8 m, theo anh Thành, ưu điểm của tàu 67 hơn hẳn các tàu có công suất nhỏ trước kia là sự vững chắc, chịu được gió to, sóng biển cao. Mặt khác, với trang thiết bị hiện đại, tàu có thể phát huy tính năng nhận biết luồng cá, luồng mực trên biển để tiếp cận đánh bắt nhờ ra-đa, máy dò ngang...

Được biết, ngoài huyện Quỳnh Lưu, các địa phương như TX Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Cửa Lò cũng đang ghi nhận những tín hiệu tích cực bước đầu của tàu 67. Qua ghi nhận, các chủ tàu 67 hiện nay đều rất yên tâm về năng lực đánh bắt của những phương tiện mà mình đã bỏ vốn đầu tư. Chính vì vậy, việc triển khai đóng tàu 67 đã đem lại khả năng đánh bắt thủy sản theo hướng hiện đại, tăng tổng sản lượng khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại cuộc họp tổng kết, đánh giá công tác triển khai sau 1 năm thực hiện Nghị định 67 vào ngày 31/8, UBND tỉnh đã đánh giá cao công tác triển khai thực hiện của các ban, ngành địa phương. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn, bất cập về nguồn vốn vay, đồng chí Đinh Viết Hồng đã yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, giúp ngư dân trong việc lựa chọn mẫu tàu, chủ tàu đủ năng lực để hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay.

Trước đó, vào ngày 1/8/2015, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai giải ngân vốn vay theo Nghị định 67. Đồng chí cũng yêu cầu các ban, ngành tỉnh Nghệ An cần đẩy nhanh công tác triển khai các thủ tục liên quan đến Nghị định 67 nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đánh bắt thủy sản của địa phương trong thời gian tới.

.

Ngọc Thái

.