Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng (mức hiện nay) lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 11/11 với 392/435 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỉ lệ 79,35%.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Ngoài ra, từ 1/1/2016, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
Lương tăng sẽ giúp người dân giảm phần nào khó khăn trong cuộc sống. Ảnh minh họa |
Từ ngày 1/1/ 2016 đến ngày 30/4/2016, Chính phủ tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) như năm trước như quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13.
Theo Nghị quyết, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Mức bội chi năm 2016 là 4,95% GDP
Nghị quyết cũng đặt ra dự toán tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng; nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng .
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy nhiên Nghị quyết cũng nêu: “Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ”.
Để thực hiện dự toán trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận, trốn thuế.
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh.
Nghị quyết cũng nêu: “Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Tiền thu từ cổ phần hóa: Chỉ chi đầu tư phát triển
Thực hiện một số nhiệm vụ ngân sách nhà nước của năm 2015 và năm 2016, Quốc hội cho phép Chính phủ sử dụng 40.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỉ đồng đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.
Nghị quyết Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành 60.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định.
Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng. Thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá theo hướng sát với giá thị trường, bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, thu hút các thành phần kinh tế khác cùng tham gia cung ứng dịch vụ công.
Thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên.
Chính phủ được quyền phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD.