Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201511/phat-trien-mo-hinh-bac-sy-gia-dinh-dan-duoc-nho-nganh-co-loi-646172/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201511/phat-trien-mo-hinh-bac-sy-gia-dinh-dan-duoc-nho-nganh-co-loi-646172/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dân được nhờ, ngành có lợi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 11/11/2015, 14:22 [GMT+7]
Phát triển mô hình bác sỹ gia đình

Dân được nhờ, ngành có lợi

(Congannghean.vn)-Trên thế giới, mô hình bác sỹ gia đình ra đời cách đây 80 năm và đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc điều trị, khám chữa bệnh ban đầu, giúp người dân kịp thời phát hiện nhiều căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm bác sỹ gia đình vẫn còn khá mới mẻ và lạ lẫm với người dân.

Nghệ An là địa phương thứ 7 trên cả nước xuất hiện mô hình này. Tuy xuất hiện cách đây chưa lâu nhưng hoạt động của phòng khám bác sỹ gia đình đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, nhất là trong việc tiếp cận với người dân. Từ đó, từng bước góp phần giảm tải cho các bệnh viện, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cộng đồng dân cư.

Theo khái niệm, bác sỹ gia đình là bác sỹ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, đồng thời là những thầy thuốc gần dân nhất. Bác sỹ gia đình là bác sỹ hướng về gia đình, biết rõ tình trạng của từng người bệnh và hoàn cảnh gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.

 Bác sỹ phòng khám gia đình đến nhà thăm khám sức khỏe cho người dân
Bác sỹ phòng khám gia đình đến nhà thăm khám sức khỏe cho người dân

Năm 2014, mô hình bác sỹ gia đình được triển khai thí điểm theo Thông tư 16 của Bộ Y tế. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay do mô hình bệnh tật ở Việt Nam là mô hình bệnh khép kín, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi các nhóm bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích có xu hướng tăng nên nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng tăng.

Vì vậy, việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mãn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết. Đó chính là cơ sở để mô hình bác sỹ gia đình có điều kiện hình thành và phát triển tại Việt Nam.

Tại Nghệ An, Phòng khám bác sỹ gia đình tại 60B Tôn Thất Tùng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An trực thuộc Công ty Cổ phần Dưỡng lão và phục hồi sức khỏe, tính đến ngày 6/11 đã đi vào hoạt động được 3 tuần và có 12 bệnh nhân ký hợp đồng đăng ký các gói dịch vụ y tế.

Chức năng của phòng khám bác sỹ gia đình tại Nghệ An cũng giống như các phòng khám đã được triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc. Cụ thể như, quản lý sức khỏe theo hộ gia đình, khám bệnh và tổ chức điều trị tại nhà các trường hợp bệnh nhẹ; theo dõi, hỗ trợ điều trị, hỗ trợ tư vấn các trường hợp mãn tính; chăm sóc, tư vấn và theo dõi hậu sản 2 tuần đầu cho mẹ và các tháng đầu đời cho bé; chăm sóc y tế người cao tuổi có bệnh hoặc không có bệnh kèm theo…

Theo bác sỹ Dương Công Hoạt, Trưởng phòng khám Bác sỹ gia đình, đây là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, nơi theo dõi sức khỏe ban đầu, sàng lọc và chữa trị những bệnh thông thường; chỉ những bệnh nặng, đòi hỏi cao về chuyên môn thì bác sỹ gia đình mới chuyển đến tuyến 2 - 3 thuộc lĩnh vực chuyên môn. Điều này sẽ giúp bác sỹ ở các bệnh viện không phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân mang bệnh nhẹ tới khám, làm giảm sức ép về quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tính cần thiết và hiệu quả của mô hình bác sỹ gia đình đã được chứng minh. Tuy nhiên, trên thực tế, sau gần 2 năm triển khai ở nhiều địa phương, mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập, không thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Nguyên nhân trước hết là do người dân vẫn chưa hiểu đúng khái niệm bác sỹ gia đình. Người dân hoặc chưa đánh giá đúng chức năng, vai trò của bác sỹ gia đình hoặc yêu cầu quá cao. Nhiều người vẫn có suy nghĩ bác sỹ gia đình có nhiệm vụ phải đến tận nhà khám bệnh và điều trị được nhiều bệnh khác nhau.

Tuy nhiên, chức năng chính của bác sỹ gia đình là khám chữa bệnh ban đầu, là bác sỹ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh. Vì thế, công tác truyền thông để người dân hiểu rõ và lựa chọn các gói dịch vụ trong khám chữa bệnh chính là cơ sở để mô hình bác sỹ gia đình có thể tồn tại và phát triển.

Ngoài hạn chế do nhận thức của người dân thì mục tiêu của ngành y tế đưa bác sỹ gia đình về các trạm y tế để các trạm này như là vệ tinh cho bệnh viện tuyến quận, huyện cũng chưa phát huy hiệu quả. Bởi trên thực tế, cán bộ tại trạm y tế cũng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, các chương trình chăm sóc sức khỏe…

Bên cạnh đó, do bảo hiểm y tế chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể đối với mô hình bác sỹ gia đình nên hầu như người dân hiện vẫn đang phải chi trả các khoản dịch vụ khám và điều trị tại phòng khám.

Trong khi đó, xét về yếu tố khách quan, 80% khách hàng của mô hình này là phục vụ tại nhà. Do đó, tâm thế và cả thời gian của các bác sỹ vẫn còn mang tính thụ động và để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, các bác sỹ phải kết hợp nhuần nhuyễn và đồng bộ  kỹ năng của bác sỹ gia đình và kỹ năng giao tiếp.

Rõ ràng, sau gần 2 năm thí điểm, tại nhiều địa phương, vì nhiều lý do khác nhau nên hoạt động của mô hình bác sỹ gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả và gần gũi hơn với người dân, trong thời gian tới, ngành y tế cần hoàn chỉnh mô hình, xác định phạm vi, quy mô, chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sỹ gia đình. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các phòng khám bác sỹ gia đình hoạt động như về: Giá dịch vụ phòng khám, việc chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế…

Theo bác sỹ Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Trên thực tế, tại nhiều bệnh viện đang xảy ra tình trạng quá tải do một bộ phận người dân đến điều trị những bệnh thông thường, trong khi những bệnh này có thể được tư vấn và điều trị tại các phòng khám bác sỹ gia đình. Việc hình thành và nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình là cơ sở để xã hội hóa y tế, góp phần giảm tải cho các bệnh viện. Tuy nhiên, các phòng khám cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, để phòng khám trở nên gần gũi, phổ biến hơn với người dân.

.

Mai Hậu

.