Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201510/de-an-bao-ton-va-phat-trien-ben-vung-toc-nguoi-thieu-so-dan-lai-bao-gio-ve-dich-642805/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201510/de-an-bao-ton-va-phat-trien-ben-vung-toc-nguoi-thieu-so-dan-lai-bao-gio-ve-dich-642805/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bao giờ 'về đích'? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 23/10/2015, 09:37 [GMT+7]
Đề án 'Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai'

Bao giờ 'về đích'?

(Congannghean.vn)-Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông” (tạm gọi là Đề án bảo tồn tộc người Đan Lai) là một trong những đề án quan trọng của Chính phủ dành riêng cho tộc người Đan Lai ở Nghệ An. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 5 năm nhưng Đề án vẫn chưa hoàn thành và hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của Trung ương, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương.

Hoang vắng khu tái định cư

Từ trung tâm xã Thạch Ngàn qua các Khu tái định cư Kẻ Da, Kẻ Tắt và Bá Hạ, chúng tôi đến với vùng tái định cư xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông thuộc Đề án bảo tồn tộc người Đan Lai. Ông La Quang Vinh, Trưởng bản Thạch Sơn cho biết: Đầu năm 2007, có 42/194 nhân khẩu người Đan Lai rời vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát về định cư tại nơi ở mới. Tại đây, người Đan Lai được Nhà nước cấp đất, cấp nhà, hỗ trợ phát triển kinh tế và nhiều chính sách khác như khám chữa bệnh miễn phí mỗi khi đau ốm, con cái được đến trường, giao thông đi lại thuận tiện... Nhờ vậy, nhiều hộ đã quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, tích cực tăng gia sản xuất, trồng lúa, trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi gia súc… Qua đó, thu nhập của từng hộ gia đình dần được cải thiện, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao.

Đoàn công tác UBND tỉnh và huyện Con Cuông khảo sát thực tế tại vùng dự án
Đoàn công tác UBND tỉnh và huyện Con Cuông khảo sát thực tế tại vùng dự án

Khác với bản Thạch Sơn, ở bản Kẻ Tắt, dọc con đường nhựa vào bản có một dãy nhà sàn bê tông mái đỏ được xây dựng nhưng chỉ lác đác một vài hộ gia đình Đan Lai chuyển đến sinh sống. Còn lại nhiều nhà sàn đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”, trong đó rất nhiều nhà có dấu hiệu xuống cấp, xung quanh cây cỏ, bụi rậm mọc um tùm.

Đề án bảo tồn tộc người Đan Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 28 ngày 19/12/2006 với mục tiêu: Nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, bảo tồn Vườn quốc gia Pù Mát, bảo vệ an ninh biên giới. Đề án được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2007 - 2009), với tổng nguồn vốn đầu tư 93 tỉ 244 triệu đồng, gồm 3 hợp phần, với các nội dung đầu tư: Xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đồng bào; hỗ trợ ban đầu tái định cư và đời sống, sản xuất; bảo tồn và phát triển văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, Đề án vẫn chưa thể hoàn thành theo đúng kế hoạch ban đầu.

Cụ thể, ở hợp phần 1, đã hoàn thành hơn 18 km đường đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi từ trung tâm xã Thạch Ngàn đến điểm tái định cư số 3 (bản Bá Hạ) và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng điện sinh hoạt cho điểm tái định cư số 1, bản Thạch Sơn. Hiện, đang tiếp tục xây dựng điện sinh hoạt cho điểm tái định cư số 2, bản Kẻ Tắt. Tại khu tái định cư số 1, năm 2007, UBND huyện Con Cuông lập dự án, trình UBND tỉnh phê duyệt và đã tổ chức di chuyển thành công, ổn định cuộc sống cho 42 hộ dân ra khu vực tái định cư tại bản Thạch Sơn.

Tại khu tái định cư số 2 (bản Kẻ Tắt), Đề án đã xây dựng 26/35 nhà sàn bê tông, hoàn thành khai hoang 100% khối lượng ruộng đất và đang thi công dang dở một số hạng mục như phòng học, trạm xá, nhà văn hóa… Tại khu tái định cư số 3, điểm tái định cư cho 64 hộ dân Đan Lai đến sinh sống tại bản Bá Hạ chưa được triển khai, do quỹ đất không đủ điều kiện để lập dự án, thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, đồng thời cũng thiếu vốn.

Ở hợp phần 2, theo nội dung của Đề án là sẽ tổ chức ổn định sản xuất, đời sống văn hóa, xã hội cho 30 hộ ở lại tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn để phối hợp với Bộ đội Biên phòng, lực lượng Kiểm lâm và cơ quan quản lý du lịch làm tốt công tác giữ gìn trật tự an ninh biên giới, bảo vệ rừng và kết hợp phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát. Kết quả, đến nay, dự án đã xây dựng được 15 km đường giao thông từ trung tâm xã Môn Sơn vào đến bản Cò Phạt, còn khoảng 4 km từ bản Cò Phạt đến bản Búng mới thi công phần nền và 2 cầu treo, 1 cầu treo và cống do thiếu vốn nên chưa thể tiến hành thi công.

Thêm một tuyến nhánh gần 9 km, đường cấp V, nối đầu tuyến chính đến bản Làng Yên, xã Môn Sơn hiện đang phải ngừng thi công, do kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bố trí đến năm 2015 cho dự án đã hết. Do đó, thực hiện theo Chỉ thị 1792/2011 của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì công trình này thuộc diện phải giãn tiến độ đến sau năm 2015 mới xem xét việc tiếp tục triển khai xây dựng. Ở hợp phần 3, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm bơm điện xã Môn Sơn, phục vụ tưới tiêu cho 40 ha ruộng nước và nhu cầu sinh hoạt cho các hộ trong vùng.

Lỗi hẹn với  tộc người Đan Lai

Đề án được phê duyệt thực hiện trong vòng 3 năm (từ năm 2007 - 2009), nhưng hiện nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ này, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cho biết: Đề án được triển khai trong điều kiện địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Mặt khác, hiện đã có 78 hộ tăng thêm do mới tách ra ở riêng (số hộ này chưa được dự án quy hoạch để di dời tới khu vực tái định cư).

Cùng với đó là sự phát sinh, biến động về giá cả vật tư, vật liệu, tổng mức đầu tư thực tế lớn hơn nhiều so với giá trị phê duyệt ban đầu, trong khi nguồn vốn ngân sách đầu tư lớn nhưng hàng năm cấp về lại đạt tỉ lệ thấp. Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện, hiện nay, tổng số vốn còn thiếu so với giá trị khối lượng đã hoàn thành là 26 tỉ 185 triệu đồng; tổng nhu cầu vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 165 tỉ 786 triệu đồng, trong khi tổng nguồn vốn đầu tư theo Đề án là 93 tỉ 244 triệu đồng…

Dãy nhà ở bản Kẻ Tắt xây dựng dang dở, bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp
Dãy nhà ở bản Kẻ Tắt xây dựng dang dở, bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp

Ông Hồ Đăng Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Để khắc phục tồn tại trong quá trình triển khai Đề án bảo tồn tộc người Đan Lai, huyện Con Cuông đã lập báo cáo, đề xuất một số giải pháp khắc phục. Đơn cử như: Trước mắt, ưu tiên xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu điểm tái định cư số 2 tại xã Thạch Ngàn để chuyển 35/212 hộ đang sinh sống tại nơi ở cũ đến khu vực tái định cư theo quy hoạch của dự án; xin ý kiến Chính phủ cho 177 hộ ở lại nơi ở cũ thay cho phương án 30 hộ theo đề án được duyệt.

Tiếp tục xin Trung ương hỗ trợ đủ số vốn còn thiếu cho dự án để trả nợ và triển khai các hạng mục đang xây dựng dang dở; ưu tiên đưa các dự án đang triển khai thực hiện dang dở vào kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016 - 2020 bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh để có cơ sở bố trí vốn trả nợ khối lượng hoàn thành và triển khai các hạng mục còn dang dở cho những năm tiếp theo…

Như vậy, sau nhiều năm triển khai, Đề án bảo tồn tộc người Đan Lai vẫn chưa hoàn thành. Không biết đến lúc nào những người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát mới có thể ổn định cuộc sống tại nơi ở mới và những khó khăn, vướng mắc mà các ngành liên quan đang vào cuộc tháo gỡ mới được thực hiện. Đó là những câu hỏi lớn đang đặt ra cho các cấp, ngành liên quan của tỉnh và địa phương và cần được sớm giải quyết để không “lỗi hẹn” với đồng bào Đan Lai vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn.          

.

Xuân Thống

.