Kinh tế xã hội
Phát huy tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh
(Congannghean.vn)-Với trên 23.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, những năm qua, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách cụ thể nhằm phát huy lợi thế của ngành nuôi trồng thủy sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 23.610 ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích nuôi cá nước ngọt là 21.000 ha, sản lượng đạt 34.593 tấn. Diện tích nuôi nước lợ 2.610 ha, sản lượng đạt 9.850 tấn, chủ yếu tập trung vào nuôi tôm. Năm 2014, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt 44.443 tấn, tăng 2.318 tấn so với năm 2013, chủ yếu tập trung vào các loại tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá rô phi. Tổng giá trị sản lượng năm 2014 đạt khoảng 1.950 tỉ đồng.
Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển mạnh ở tỉnh ta |
Phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh phát triển ngành nuôi trồng thủy sản với nhiều phương thức đa dạng, như nuôi cá rô phi, cá lồng bè, kết hợp với trồng lúa. Đặc biệt, sau khi phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển nghề nuôi tôm áp dụng kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh cho năng suất cao trên 1 đơn vị diện tích, nuôi tăng vụ (vụ 3 đối với tôm thẻ chân trắng).
Bên cạnh đó, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; mở các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và nuôi trồng thủy sản cho các cơ sở và người dân.
Các ngành chức năng và các địa phương vùng ven biển đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân xây dựng mô hình nuôi trồng, khai thác thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Chi cục cũng làm tốt công tác chỉ đạo và bám sát cơ sở, theo dõi, dự báo tình hình để kịp thời phát hiện dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển thủy sản của tỉnh còn tương đối lớn, nguồn tài nguyên nước chưa bị ô nhiễm nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản; lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh khá dồi dào.
Tuy nhiên, phát triển ngành thủy sản trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản. Tập quán nuôi trồng thủy sản của người dân còn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế chưa cao; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ươm nuôi giống, phát triển nuôi thâm canh, nghiên cứu khoa học, dịch vụ phục vụ phát triển thủy sản còn yếu và thiếu đồng bộ. Hoạt động khai thác tự nhiên trên các hệ thống sông, suối và các hồ đầm tự nhiên bằng các công cụ mang tính hủy diệt còn phổ biến; đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước ngành thủy sản còn thiếu và hạn chế về chuyên môn…
Để phát huy những tiềm năng sẵn có, ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ phấn đấu phát triển thủy sản theo hướng bền vững, trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm; tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập; duy trì và mở rộng hình thức nuôi, khai thác tạo việc làm thu hút lao động; bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và môi trường; tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh cho động vật thủy sản trong quá trình sản xuất. Đồng thời, phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; tập trung đầu tư để ngành thuỷ sản phát triển tương xứng, cân đối trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Cao Loan