Kinh tế xã hội
Dồn điền, đổi thửa: Nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới
(Congannghean.vn)-Dồn điền, đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất không phải là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân thì không thể không mở rộng, phát triển sản xuất trên quy mô lớn. Đây là nền tảng quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Kỳ 2: Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện
Từ khi thực hiện Chỉ thị 08, tại các địa phương cơ bản đã xóa bỏ được tình trạng ruộng đất manh mún, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quá trình triển khai đã thực hiện được việc kết hợp với quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Từ đó, tạo điều kiện để nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, làm tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ việc dồn điền, đổi thửa đã tạo sự chuyển đổi ruộng đất cho liền vùng, liền thửa, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung có sự quản lý.
Thực hiện dồn điền, đổi thửa góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất |
Một trong những địa phương đi đầu và đạt kết quả nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 08 về dồn điền, đổi thửa là huyện Nam Đàn. Ngay từ khi thành lập Ban chỉ đạo, Nam Đàn đã chọn 3 xã làm điểm là Nam Xuân, Nam Giang và Khánh Sơn, từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện liên tục trên 20 xã còn lại. Nhờ thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền nên người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp nguồn kinh phí để làm giao thông thủy lợi nội đồng. Đến nay, 23/23 xã (đạt 100%) đã hoàn thành cơ bản công tác chuyển đổi ruộng đất. Sau khi chuyển đổi, một số xã đã tập trung chỉ đạo các hộ làm trang trại chuyển đổi đất theo Nghị định 64 về quy tụ đất trang trại với tổng diện tích được quy tụ mới là 48 ha. Số thửa giảm xuống còn 96.003 thửa (giảm 46%) so với trước khi chuyển đổi.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện dồn điền, đổi thửa vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đến nay, có 8 đơn vị cấp huyện có kết quả thực hiện thấp như các huyện Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò... Cụ thể, huyện Hưng Nguyên có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 10.106,56 ha/22 xã. Ngay từ khi có nội dung Chỉ thị 08, Hưng Nguyên đã tiến hành nhiều biện pháp để dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, với mục tiêu năm 2016 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, do mục tiêu chung đẩy mạnh thực hiện dồn điền, đổi thửa nên Ban chỉ đạo tỉnh đã thống nhất năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đẩy nhanh tiến độ khiến địa phương này gặp không ít khó khăn. Đến nay, mới chỉ có 11/22 xã hoàn thành.
Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 08 về đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 375 mô hình sản xuất hiệu quả: Sản xuất rau an toàn, lúa, ngô, lạc... có năng suất cao. Các địa phương đã triển khai 28 mô hình cánh đồng mẫu, trong đó có 18 mô hình sản xuất lúa với 995 ha, 6 mô hình sản xuất ngô với diện tích 204,9 ha, 4 mô hình sản xuất lạc với diện tích 163,2 ha. Khối lượng đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng đạt 10.833.493 m3. |
Đa phần các xã chưa hoàn thành việc thực hiện Chỉ thị 08 vì có diện tích ven đê lớn, diện tích sản xuất nông nghiệp là bãi bồi không ổn định... Trong khi đó, một số xã giáp ranh TP Vinh, có vị trí thuận lợi, có nhiều dự án đầu tư nên một bộ phận người dân không muốn thực hiện mà chờ dự án được thực hiện để nhận tiền bồi thường. Trong khi đó, một số địa bàn vùng đô thị như TP Vinh, TX Cửa Lò do đặc thù quỹ đất nông nghiệp ít, nằm xen kẽ trong khu dân cư, đã quy hoạch và nhiều dự án đang triển khai nên người dân không đồng tình thực hiện dồn điền, đổi thửa mà đề nghị chỉnh lý cục bộ để giao đất, cấp giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất. Còn tại nhiều huyện miền núi, chủ yếu là ruộng bậc thang, ý thức về tích tụ ruộng đất của nông dân chưa cao nên gây khó khăn khi chuyển đổi.
Từ thành công trong công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang nội đồng ở Nghệ An cho thấy, công tác dồn điền, đổi thửa thực chất là cuộc vận động nhân dân chuyển diện tích đất nông nghiệp được giao ổn định từ nhiều thửa nhỏ thành một hoặc hai thửa phù hợp với vùng sản xuất đã được quy hoạch. Trong đó, ý thức, sự hợp tác của người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Đảng uỷ, HĐND cấp xã, các ban, ngành, đoàn thể; từng nội dung phải đưa ra họp bàn để nhân dân bàn bạc dân chủ, công khai và ban hành thành nghị quyết. Mục tiêu của Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08 là trong năm 2015 sẽ hoàn thành về cơ bản. Muốn vậy, việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời đôn đốc để giải quyết vướng mắc tại cơ sở, tránh sự mất cân bằng giữa các địa phương trong quá trình triển khai.
Mai Hậu