Kinh tế xã hội

Nhà ở cho công nhân, khó cũng phải làm

08:47, 03/08/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 13.000 công nhân. Theo thống kê của các ngành chức năng, năm 2014, khoảng 4.500 công nhân có nhu cầu về nhà ở, trong đó Khu công nghiệp Nam Cấm chiếm số lượng lớn nhất, với 2.500 người. Trong thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình nhằm đảm bảo nhu cầu an sinh xã hội cho công nhân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà mục tiêu xây dựng hệ thống nhà ở cho công nhân đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Điều này tác động không nhỏ đến an sinh xã hội, vấn đề đảm bảo ANTT, nâng cao chất lượng lao động của cán bộ công nhân viên.

Chị Nguyễn Thị Hương là công nhân Công ty may mặc Matrix, thuộc Khu công nghiệp Bắc Vinh, xã Nghi Kim, TP Vinh. Hai vợ chồng chị đều là công nhân, tổng thu nhập hàng tháng khoảng 5 triệu đồng. Cũng như nhiều công nhân khác, do quê ở huyện Thanh Chương nên hai vợ chồng chị Hương quyết định thuê nhà trên đường Đặng Thai Mai, TP Vinh, gần nơi làm việc để tiện việc đi lại. Với nguồn thu nhập ít ỏi, chị phải chi tiêu rất tằn tiện. “Biết là không đảm bảo sức khỏe nhưng chẳng biết làm sao, thu nhập của công nhân thấp nên muốn thay đổi cũng không được.

Người               lao động đang phải sống trong các dãy nhà trọ  tạm bợ, nhếch nhác
Người lao động đang phải sống trong các dãy nhà trọ tạm bợ, nhếch nhác

Mình có thể tiết kiệm trong chuyện ăn uống, phí sinh hoạt, nhưng hai vợ chồng không khỏi lo lắng khi đứa con đầu lòng sắp chào đời, vì chưa biết sẽ xoay xở như thế nào trong phòng trọ nhỏ bé này”, chị Hương cho biết thêm. Căn phòng của vợ chồng chị rộng chừng 15m2, chỉ đủ để một chiếc giường, tủ quần áo và một góc nhỏ để nấu ăn. Toàn bộ diện tích còn lại là nơi dựng chiếc xe máy, phương tiện đi lại duy nhất của cả hai vợ chồng. Mong ước của chị Hương là có được nơi ở ổn định, được quy hoạch cụ thể. Đây cũng là hy vọng chung của hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhếch nhác, chật chội là thực trạng phổ biến ở nhiều nhà trọ của công nhân tại các khu công nghiệp. Tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc; xã Nam Giang, huyện Nam Đàn có tới hàng chục dãy trọ dành cho công nhân. Các khu nhà được lợp proximăng nên vào mùa hè thì rất nóng nực, ngột ngạt. Để tiết kiệm diện tích, các chủ trọ thường bố trí hai dãy nhà nằm úp mặt vào nhau với 1 hành lang nhỏ hẹp chưa đầy 1 m, phía trên là dây phơi quần áo chằng chịt, phía dưới là chỗ để xe máy và nơi nấu nướng... Bên cạnh đó, các dịch vụ khác như y tế, nhà trẻ, mẫu giáo, các khu vui chơi giải trí cũng không đảm bảo. Tình trạng công nhân thuê nhà của người dân sinh sống xung quanh các khu công nghiệp đang nảy sinh những bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú, đảm bảo ANTT, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Theo ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng phòng Doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, trước nhu cầu bức thiết về nhà ở của công nhân, sau khi khảo sát tình hình, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã lập quy hoạch về khu nhà ở cho công nhân tại Nam Cấm, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc. Tuy nhiên, dự án trên đã không thể triển khai vì vướng vào một dự án khác, lại thiếu nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện, Ban Quản lý đang lựa chọn địa điểm khác và giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng Nghệ An lập quy hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, việc xây nhà ở cho công nhân chỉ nên thực hiện thí điểm một số dãy phòng, sau đó thực hiện theo hướng xã hội hóa, thu hút đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp. Tháng 6/2015, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng đã gửi văn bản cụ thể về việc quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân cho Sở Xây dựng Nghệ An. Theo đó, việc bố trí hoặc định hướng bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp đã được Ban Quản lý quan tâm thực hiện trong quá trình lập quy hoạch chung Khu kinh tế cũng như quy hoạch chi tiết tại các khu công nghiệp (chỉ riêng tại Khu công nghiệp Bắc Vinh và Hoàng Mai 1 là chưa được bố trí để xây dựng nhà ở công nhân). Vì vậy, tùy vào nhu cầu thực tế, Ban Quản lý sẽ xem xét, kiến nghị UBND tỉnh bổ sung quỹ đất xung quanh khu công nghiệp hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp để dành một phần diện tích nhằm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân.

Nghệ An đang thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư và trên thực tế, với môi trường đầu tư thông thoáng, tỉnh ta đã thu hút được rất nhiều dự án với quy mô lớn. Tuy nhiên, vì chưa có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân và tình trạng thiếu vốn đầu tư là một trong nhiều lý do khiến hầu hết công nhân đang phải sống trong các nhà trọ mà điều kiện ăn ở rất tạm bợ. Đảm bảo điều kiện ăn ở của công nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lực lượng lao động tại các khu công nghiệp cũng chính là chìa khóa để người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn.

Mai Hậu

Các tin khác