Kinh tế xã hội

Phát triển công nghiệp dược liệu - tiềm năng lớn cần phát huy

08:48, 30/07/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-So với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An là tỉnh có sự đa dạng sinh học rất cao, trong đó khu vực miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới. Sự đa dạng về tiềm năng đất đai và khí hậu khiến nguồn tài nguyên thực vật nói chung và dược liệu nói riêng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh rất phong phú và đa dạng. Để khai thác lợi thế này, nhất là tại các huyện miền Tây, việc phát triển dược liệu gắn với công nghiệp dược là hướng đi đúng đắn, vừa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng bền vững, vừa tạo cơ sở để người dân có điều kiện làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Với chủ trương khai thác các tiềm năng về dược liệu và vốn kinh nghiệm trong y học cổ truyền, phục vụ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Nhà nước đã sớm có kế hoạch đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, sưu tầm dược liệu. Trong đó, Nghệ An là một trong những tỉnh có nguồn cây thuốc phong phú nhất miền Bắc nên được Chính phủ và Bộ Y tế điều tra, khảo sát từ năm 1977.

Các doanh nghiệp ký kết biên bản hợp tác đầu tư phát triển cây dược liệu tại Nghệ An
Các doanh nghiệp ký kết biên bản hợp tác đầu tư phát triển cây dược liệu tại Nghệ An

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Nghệ An có gần 1.000 loài có giá trị dược liệu khác nhau. Trong đó có rất nhiều loài có giá trị cao như: Sâm Puxailaileng, đẳng sâm, tam thất, lan kim tuyến, nấm linh chi đỏ, hà thủ ô đỏ, mú từn, đinh lăng… Trên thực tế, nhiều cây dược liệu cho thu nhập lớn hơn nhiều so với các cây công nghiệp trên địa bàn. Một số loài vừa sử dụng trong sản xuất thuốc vừa có thể dùng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm (các loại tinh dầu, gia vị).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nguồn cây thuốc đang bị suy giảm nhiều. Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác lớn. Nguyên nhân chính là do tình trạng khai thác tràn lan, thiếu ý thức bảo vệ sự tái sinh, nạn phá rừng làm nương rẫy. Kết quả điều tra cũng xác định, Nghệ An có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có tên trong Danh sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam. Việc xây dựng kế hoạch lâu dài nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc quý là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện nhanh chóng và lâu dài.

Theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, so với các loại cây công nghiệp và lương thực khác, cây dược liệu có đặc điểm riêng biệt cả về mô hình sản xuất, vấn đề thị trường cũng như quy trình chế biến, tiêu chuẩn chất lượng. Vì thế, việc kết nối giữa doanh nghiệp với người dân có vai trò cực kỳ quan trọng để phát triển bền vững ngành công nghiệp dược liệu.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cây dược liệu là cây bản địa được khai thác tại địa phương nhưng khi đưa vào trồng trọt, cần được nghiên cứu đánh giá trên quy mô nhỏ trước khi nhân rộng thành quy mô công nghiệp để hạn chế rủi ro khi cây chưa thích nghi được với điều kiện canh tác; năng suất, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu. Việc chọn trồng trọt nên căn cứ vào các cây thế mạnh của địa phương hoặc cây bản địa của địa phương có khả năng thương mại và phát triển tốt.

Bên cạnh đó, trong thời gian khởi động chương trình phát triển dược liệu của tỉnh, nên chọn các loại cây ngắn ngày để người dân làm quen với kỹ thuật mới và đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó sẽ tham gia tích cực hơn vào việc phát triển dược liệu, làm tiền đề cho việc triển khai cây trồng ngắn ngày. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm thu hút các nhà đầu tư vào công nghiệp dược liệu, ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh và 8 doanh nghiệp sẽ đầu tư nhằm phát triển công nghiệp dược Nghệ An, với nhiều tên tuổi lớn như: Công ty Traphaca, Nam Dược, Công ty Vật tư Nông nghiệp… Trong đó, sẽ có 3 doanh nghiệp đăng ký triển khai trong năm nay và năm sau.

Mai Hậu

Các tin khác