Kinh tế xã hội
Người tiêu dùng hưởng lợi, doanh nghiệp lo giảm thuế
(Congannghean.vn)-Theo lộ trình, cuối năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (viết tắt là AEC), cùng với đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ được cắt giảm mức thuế 0%. Hàng hóa sản xuất trong nước được xuất khẩu sang các nước trong khu vực cũng sẽ được áp dụng mức thuế tương tự. Đây là thời cơ thuận lợi để doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa các mẫu mã sản xuất. Tuy nhiên, trước thềm gia nhập AEC, nhiều thách thức cũng được đặt ra cho doanh nghiệp khi phải chấp nhận “bơi chung”.
Người tiêu dùng “dễ thở”
Mặc dù phải đến ngày 31/12/2015 nước ta mới chính thức gia nhập AEC nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, Việt Nam đã tiến hành cắt giảm trên 1.700 dòng thuế các mặt hàng xuống còn 0%. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0% ở một số mặt hàng sản xuất từ các nước trong khu vực ASEAN đã khiến thị trường tiêu dùng trong nước có nhiều biến động về giá cả. Các mặt hàng điện tử, điện lạnh từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore… có mặt tại các siêu thị, đại lý trong nước bắt đầu có sự cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Gia nhập AEC, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất lớn về giá cả từ nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh |
Qua khảo sát tại siêu thị HC chi nhánh Nghệ An trên đường Lê Hồng Phong, TP Vinh, chúng tôi nhận thấy, mặt hàng điện lạnh năm 2015 rất đa dạng và phong phú về chủng loại cũng như giá cả. So với các năm trước, nếu như vào mùa hè, các thiết bị điện lạnh luôn gây “sốt” thì năm nay vẫn giữ mức giá ổn định. Theo phân tích, do tiến trình gia nhập AEC của Việt Nam mở rộng nên năm nay, các mặt hàng giảm thuế nhập khẩu vào nước ta rất lớn. Cũng vì thế, các dòng sản phẩm điện lạnh từ các nước trong khu vực ASEAN vào Việt Nam rất đa dạng nên đã tạo ra “làn sóng” cạnh tranh sôi động.
Với mức giá hợp lý, lại đa dạng về mẫu mã nên các mặt hàng nhập khẩu đã và đang chiếm được thị hiếu của khách hàng nội địa. Thế nhưng, một điều mà người tiêu dùng hiện nay đang rất quan tâm là liệu chất lượng sản phẩm có tỉ lệ nghịch với giá cả. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát.
Doanh nghiệp lo giảm thuế
Hiện nay, theo thống kê, Việt Nam là nước nhập khẩu lớn thứ 2 của ASEAN. ASEAN cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nước ta, sau Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Mặt khác, với hơn 600 triệu người tiêu dùng, ASEAN được xem là thị trường tiêu thụ năng động. Vì vậy, khi gia nhập AEC, với các thế mạnh sẵn có, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh với các dòng sản phẩm của các nước trong khu vực, từ đó dần chiếm lĩnh thị trường. Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại.
Cũng theo lộ trình, đến năm 2018, nhiều mặt hàng vốn dĩ có giá bán rất cao khi vào Việt Nam như ôtô, xe máy và các phụ kiện, linh kiện liên quan; đồ điện gia dụng; hoa quả nhiệt đới; các sản phẩm công nghệ cao… sẽ được áp mức thuế trần nhập khẩu xuống 0%. Chính vì điều này, một số doanh nghiệp sản xuất truyền thống, có thương hiệu từ nhiều năm qua cũng phải giải quyết “bài toán” về giảm thuế, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, với mặt hàng hoa quả nhiệt đới, Thái Lan là nước có nhiều sản phẩm hoa, củ, quả từ lâu đã có tiếng trên thị trường ASEAN và các nước trên thế giới. Với mức áp giá thuế 0%, nếu các doanh nghiệp thu mua, chế biến mặt hàng này không cân đối, tính toán được giữa chi phí đầu tư và thu lợi nhuận để tồn tại cũng như cạnh tranh thì rất dễ bị loại khỏi thị trường bởi các doanh nghiệp của Thái Lan. Trong khi đó, về hoa quả nhiệt đới, Việt Nam cũng là nước cung ứng số lượng lớn sản phẩm cho các nước từ nhiều năm qua.
Vậy, làm sao để hàng hóa Việt Nam không bị “lép vế” ngay trên sân nhà? Và khi mức thuế nhập khẩu các mặt hàng đã cam kết theo quy định tại AEC ở mức 0% thì việc các doanh nghiệp nội địa phải đưa ra lộ trình giảm thuế là điều đương nhiên. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, qua khảo sát sơ bộ, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đều rất mơ hồ về các điều khoản mà Cộng đồng kinh tế ASEAN đưa ra vào cuối năm 2015. Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, trước lộ trình gia nhập AEC, các doanh nghiệp trong nước cần phải xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế chung. Bên cạnh đó, việc đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào cũng cần được quan tâm đúng mức.
Ngọc Thái