Kinh tế xã hội
Ngư dân vẫn còn 'bơi' trong lộng
(Congannghean.vn)-Hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản của ngư dân các địa phương ven biển trong thời gian qua đang được các cấp, ngành đầu tư, khuyến khích mở rộng về quy mô cũng như sản lượng khai thác. Tuy nhiên, để ngư dân mạnh dạn đóng tàu to, thuyền lớn tham gia đánh bắt xa bờ thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Chính vì vậy, thực trạng ngư dân hiện nay đang đánh bắt trong phạm vi gần bờ (hay còn gọi là trong lộng) vẫn còn diễn ra rất phổ biến, dẫn đến việc dư thừa năng lực khai thác, tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ.
Tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh cũng như tiếp xúc cử tri ở một số địa phương, vấn đề cơ cấu, đẩy mạnh khai thác thủy, hải sản trên biển đã được đưa ra bàn luận, tìm hướng phát triển bền vững, hiện đại. Trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong việc đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để ngư dân ổn định tư tưởng, yên tâm bám biển vươn khơi.
Trên thực tế, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo “cú hích” để bà con ngư dân đầu tư đóng tàu to, thuyền lớn bám biển, tăng năng lực khai thác thuỷ, hải sản. Sau khi Nghị định 67 được ban hành, cùng với cả nước, Nghệ An cũng là tỉnh được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách nói trên và đã triển khai nhiều chủ trương trong thời gian qua. Ban chỉ đạo Nghị định 67 của tỉnh cũng được thành lập nhằm thực hiện một cách đồng bộ các chính sách từ trung ương tới địa phương có hiệu quả, kịp thời.
Nhiều ngư dân muốn thay tàu nhỏ bằng tàu lớn để vươn khơi, bám biển nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn |
Ở các huyện, thị ven biển như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò, nhiều chủ tàu đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đóng tàu công suất lớn để bám biển dài ngày. Nhiều cảng cá, cửa lạch, âu thuyền… đã được nạo vét, mở rộng, nâng cấp để đón tàu thuyền có công suất khai thác lên tới hàng nghìn CV ra, vào.
Cùng với đó, các lớp đào tạo, tập huấn, phổ biến pháp luật quốc tế về biển cho thủy thủ tàu đã được triển khai ở các địa phương trong thời gian qua. Hơn bao giờ hết, mỗi tàu thuyền bám biển là mỗi cột mốc chủ quyền biên giới lãnh thổ trên biển nên việc khuyến khích ngư dân đầu tư cho phương tiện đánh bắt thuỷ, hải sản hiện đại hiện nay rất cần được quan tâm.
Theo thống kê, tình hình sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đã có chiều hướng phát triển nhanh, đóng góp một phần không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 4.321 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất máy 239.236CV, sản lượng khai thác đạt 56.138 tấn thì năm 2014, tổng sản lượng đã đạt 105.653 tấn. Tổng số tàu thuyền giảm 353 tàu so với năm 2010 nhưng công suất tăng lên 443.764CV, tăng 1,85 lần so với 4 năm về trước. Điều này cho thấy, khi cường lực khai thác (công suất, thời gian, ngư cụ) đánh bắt thủy sản tăng thì sản lượng thu về cũng tăng. Tuy nhiên, để tăng số lượng tàu thuyền công suất lớn thành đội hình đánh bắt hải sản hùng hậu ngoài khơi xa của tỉnh ta hiện nay vẫn chưa làm được.
Thực tế, tàu thuyền có công suất lớn hiện nay chưa lớn về số lượng, mạnh về công suất khai thác. Trong khi đó, tàu thuyền khai thác thuỷ, hải sản có công suất dưới 20CV hiện nay chiếm tới trên 40% tổng số tàu thuyền trên địa bàn toàn tỉnh. Chính vì điều này đã gây ra tình trạng dư thừa năng lực khai thác tại vùng biển ven bờ. Do vậy, vấn đề cơ cấu nghề nghiệp, vùng khai thác hải sản cần được đặt ra để giải quyết một cách hợp lý.
Anh Ngô Văn Tình, một ngư dân ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: “Nghề đi biển lâu nay vẫn được duy trì từ đời này sang đời khác, hết đời cha rồi đến đời con. Đi biển cũng phải chọn mùa, chọn dịp mới gặp sóng yên biển lặng. Bình thường, thuyền của chúng tôi chỉ cần lắp động cơ máy khoảng gần 20CV đi đánh bắt cách bờ khoảng trên dưới 10 hải lý. Đi tầm 5 giờ chiều thì 5 giờ sáng mai là vào cập bến. Ở đây, nhà nào cũng dùng thuyền như vậy để đánh trong lộng cả”.
Qua tìm hiểu, hiện nay toàn xã Diễn Ngọc có trên 400 tàu thuyền, tổng công suất máy hơn 20.000CV nhưng cũng chỉ có khoảng 20 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Thực tế, không chỉ ở Diễn Châu mà tại nhiều địa phương khác, số lượng tàu thuyền công suất lớn đủ khả năng đánh bắt xa bờ hiện nay rất khiêm tốn.
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn để đóng tàu công suất lớn thì trở ngại đối với ngư dân hiện nay là vẫn chưa mạnh dạn đầu tư cho phương tiện đánh bắt của mình theo hướng hiện đại. Ngoài ra, tâm lý e ngại trong việc làm hồ sơ, thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay của ngư dân hiện nay vẫn chưa được khơi thông.
Ông Chu Quốc Nam, Phó Chi Cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Trong những năm qua, việc quan tâm, đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực khai thác nguồn lợi thủy hải sản đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân. Công tác triển khai đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Thời gian qua, ở một số địa phương trong tỉnh cũng đã tiến hành kiểm kê, rà soát hồ sơ để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay của nhà nước.
Trên thực tế, qua thống kê thì số tàu thuyền có công suất lớn, trên 400CV hiện nay vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được khả năng, lợi thế cũng như năng lực bám biển của ngư dân. Vì vậy, hiện nay vấn đề khai thác nghề gì và khai thác ở vùng biển nào để đảm bảo cân bằng giữa năng lực khai thác cũng như khả năng nguồn lợi hiện có một cách bền vững cần được triển khai đồng bộ hơn nữa.
Ngày 1/8/2015, làm với tỉnh Nghệ An về các vấn đề liên quan đến Nghị định 67, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng kết quả triển khai công tác đóng tàu thuyền công suất đánh bắt xa bờ của địa phương trong thời gian qua đạt kết quả chưa cao. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng chỉ ra những vướng mắc trong việc triển khai nguồn vốn theo Nghị định 67 địa phương cũng như những bất cập mà các Bộ, ban, ngành cần phải tháo gỡ.
Được biết, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 71 dự án đóng mới tàu theo Nghị định 67 được phê duyệt nhưng mới chỉ có 6 hợp đồng tín dụng với tổng số vốn 33,7 tỷ đồng. So với các địa phương trong cả nước thì số chủ tàu được giải ngân vốn tín dụng nêu trên là quá thấp.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An và các ban ngành, đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu địa phương nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm giúp ngư dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 67. Bên cạnh đó, đồng chí Thống đốc Ngân hành nhà nước chỉ đạo giám đốc chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Nghệ An phát huy tốt vai trò cầu nối giữa các ngân hàng thương mại trên địa bàn với ngư dân và Trung ương với địa phương.
Thời gian tới, để ngư dân vươn khơi, tham gia đánh bắt ở những ngư trường lớn ngoài biển Đông, góp phần bảo vệ an ninh biển, đảo quê hương, thì việc thực hiện đồng bộ các chính sách cần triển khai kịp thời. Bên cạnh đó, việc khuyến khích liên kết tàu thuyền, tổ hợp đánh bắt với ngư cụ, phương tiện hiện đại của ngư dân cũng cần được quan tâm. Công tác hậu cần nghề cá, bao tiêu sản phẩm, bình ổn về giá cả cho ngư dân cũng phải được chú trọng đúng mức.
Ngọc Thái