Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỉ giá lên 2%, sáp nhập và đưa vào kiểm soát đặc biệt một số ngân hàng, Quảng Bình thu hút hàng chục nghìn tỉ đồng vốn đầu tư, PVEP khai thác dòng dầu đầu tiên tại sa mạc Sahara là những thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần qua.
Tăng biên độ tỉ giá lên 2%
Sáng 11/8, Trung Quốc bất ngờ thông báo phá giá đồng nhân dân tệ gần 2%, mức cao nhất từ khi Ngân hàng Trung ương nước này thả nổi đồng nội tệ cách đây một thập kỉ. Tỉ giá tham chiếu được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố sáng 11/8 ở mức 6,2298 nhân dân tệ (NDT) đổi 1 USD, so với mức 6,1162 NDT được áp dụng trước đó.
Ngày 12/8, NDT tiếp tục mất giá 1,6% và đến ngày 13/8, Trung Quốc tiếp tục giảm thêm 1,11% tỉ giá đồng NDT so với đồng USD. Lúc này, 1 USD đổi được 6,4010 NDT.
Việc làm suy yếu đồng NDT được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm xuất khẩu của nước này trở nên rẻ hơn, tăng tính cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Đây được cho là động thái của Trung Quốc khi xuất hiện sự lo ngại về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bước vào giai đoạn trì trệ lâu dài khi xuất khẩu không khả quan và tăng trưởng kinh tế trở nên chậm chạp hơn.
Nhiều đồng tiền của châu Á đã đồng loạt mất giá ngày 11/8 sau khi Trung Quốc tuyên bố giảm tỉ giá nhân dân tệ, trong đó giảm mạnh nhất là đồng won Hàn Quốc, dollar Australia và baht Thái.
Trước tình hình đó, ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông báo cho biết biên độ tỉ giá giữa VND và USD được điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2%. Với tỉ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỉ giá mới sẽ cho phép tỉ giá biến động trong phạm vi mức tỉ giá trần là 22.106 VND/USD và tỉ giá sàn là 21.240 VND/USD.
Ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đồng NDT của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế Việt Nam. Tại cuộc họp này, người đứng đầu Chính phủ đã đánh giá cao phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp bước đầu của NHNN và các Bộ, ngành.
Thủ tướng yêu cầu các Ban, Bộ, ngành tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực, nhất là thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, tình hình sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành để có đối sách ứng phó phù hợp, phát huy cao nhất những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
* Trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tiền tệ, giá vàng trong nước đã có sự trồi sụt “chóng mặt” trong tuần qua. Từ mức 32,78-32,9 triệu đồng/lượng khi mở cửa phiên 11/8, giá vàng đã chinh phục thành công mức 35 triệu đồng/lượng vào ngày 13/8. Cuối tuần, giá vàng da động trong khoảng từ 33,65-34,25 triệu đồng/lượng.
Một số chuyên gia nhận định vàng không phải là nơi trú ẩn an toàn tại thời điểm này. Do đó, việc đặt niềm tin vào kim loại quý này có thể gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư.
Sáp nhập, kiểm soát đặc biệt một số ngân hàng
Trong tuần, Thống đốc NHNN chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank theo đề nghị của Chủ tịch HĐQT Sacombank; đồng thời, yêu cầu Southern Bank và Sacombank có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ theo quy định, trình Thống đốc NHNN xem xét, chấp thuận việc sáp nhập.
Dự kiến sau sáp nhập, Sacombank sẽ thuộc nhóm 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 290.861 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 22.645 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỉ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 567 điểm giao dịch trên cả nước và hai nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ, nhân viên là 15.510 người.
* Ngày 14/8, NHNN đã công bố kết luận thanh tra, theo đó trong giai đoạn 2012 trở về trước, Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình và hoạt động của DAB.
Do vậy, NHNN quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này. Cụ thể, NHNN sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của DAB và cá nhân tại DAB vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước và nhân dân.
Đồng thời, NHNN sẽ lựa chọn và cử những cán bộ có năng lực quản trị, trình độ chuyên môn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát đối với ngân hàng này.
NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động của DAB được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. NHNN sẽ cơ cấu lại toàn diện DAB để đưa ngân hàng này hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
* Trước đó vào ngày 13/8, NHNN công bố danh sách 33 ngân hàng thương mại có đủ điều kiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Khai thác dòng dầu đầu tiên tại Sahara
Vào lúc 17h10’ (giờ Hà Nội) ngày 12/8, Hệ thống xử lý Trung tâm (CPF) Dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba (BRS) Lô 433a-416b đã chính thức tiếp nhận dòng dầu của 4 giếng khai thác đầu tiên tại Algeria.
Tháp lửa của Dự án đã rực cháy trên sa mạc Sahara, Cộng hòa Algeria - thành quả của 12 năm lao động, cống hiến đầy tâm huyết của nhiều thế hệ người lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và những người thợ khoan PV Drilling.
Dòng dầu đầu tiên từ dưới lòng đất đã được đưa lên qua giếng khai thác BRS-6bis với lưu lượng gần 2.000 thùng/ngày, phục vụ cho giai đoạn vận hành thử nghiệm hệ thống đầu giếng, trạm thu gom và nhà máy xử lý trung tâm mỏ Bir Seba.
Hàng chục nghìn tỉ đồng “rót” vào Quảng Bình
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình 2015 tổ chức chiều 14/8, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng mức đầu tư 876 tỉ đồng; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 10 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 9.972 tỉ đồng.
Tại Hội nghị, cũng đã diễn ra lễ ký thỏa thuận 3 bên gồm: UBND tỉnh Quảng Bình-BIDV-Công ty CP Tập đoàn FLC về việc triển khai Dự án Quần thế sân Golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình.
BIDV cũng đã ký thỏa thuận nguyên tắc thu xếp vốn cho 4 dự án với có tổng mức đầu tư 10.900 tỉ đồng.
Bắc Giang thu được 2.900 tỉ đồng tiền vải quả
Tại hội nghị tổng kết và tiêu thụ vải thiều năm 2015, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tổng sản lượng vải thiều trong toàn tỉnh đạt 195.000 tấn quả tươi. Giá vải thiều năm nay cao nhất trong vòng 5 năm qua, đạt trung bình 15.000 đồng/kg, cao hơn năm 2014 tới 3.000 đồng/kg, giá trị sản xuất vải thiều đạt 2.900 tỉ đồng.
Khoảng 55% sản lượng vải thiều được tiêu thụ trong nước, tăng 8% so với năm 2014. Bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc, vải thiều lần đầu tiên được xuất khẩu thành công đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường có yêu cầu rất cao như Mỹ, Australia, Pháp, Anh và Nhật Bản.