(Congannghean.vn)-Nắng nóng gay gắt dẫn đến nhiều nhà máy thủy điện trong khu vực thiếu nước phục vụ sản xuất, phát điện, trong khi đó nhu cầu sử dụng điện của nhân dân lại tăng cao. Do lượng mưa giảm nên các hồ thủy điện muốn xả nước cho hạ du cũng phải cân nhắc kỹ, bởi nguồn nước để phát điện vào thời điểm hiện nay và cho những tháng cao điểm sắp tới chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Theo số liệu từ Công ty Điện lực Nghệ An, sản lượng sử dụng điện của toàn tỉnh trong tháng 5/2015 là 217 triệu kWh (so cùng kỳ năm 2014 tăng 16,8%). Điều đáng lo ngại là sản lượng sử dụng điện của tỉnh tăng cao nhưng lại kéo dài trong nhiều ngày nên dễ gây ra nguy cơ xấu đối với hệ thống điện. Trong những ngày vừa qua, tại một số khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sự cố mất điện cục bộ do chập cháy máy biến áp, nóng chảy vỏ bọc của hệ thống cáp vặn xoắn hoặc thiết bị bảo vệ tự ngắt vì sử dụng điện vượt ngưỡng an toàn. Tất cả các sự cố này đều xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện tăng cao của nhân dân.
Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài, các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh có thể chạm mốc mực nước chết (Trong ảnh: Hồ thủy điện Bản Vẽ còn 2m nữa là đến mực nước chết) |
Tại địa bàn TP Vinh, nhu cầu sử dụng điện của các cơ quan, bệnh viện, trường học, các khu công nghiệp tăng cao, tiêu thụ sản lượng điện chiếm gần 35% tổng sản lượng điện toàn tỉnh nên việc đảm bảo an toàn cho hệ thống điện trở nên rất quan trọng. Trong tháng 5 vừa qua, toàn thành phố đã tiêu thụ 47,8 triệu kWh điện năng (tăng 12,05% so với tháng 4). Dự kiến trong tháng 6 này, sản lượng điện thương phẩm của thành phố sẽ đạt mức 60 triệu kWh, tăng 21% so với tháng 4. Trước thực trạng hệ thống cung ứng đang quá tải, nhiều nhà máy thủy điện trong khu vực thiếu nước phục vụ sản xuất, phát điện phải hoạt động cầm chừng, thậm chí không thể ưu tiên cấp nước cho sản xuất và phục vụ đời sống người dân.
Hiện nay, một số người dân trong vùng và ngoài vùng lòng hồ dọc theo tuyến sông Nậm Nơn phải sống “phập phù”, phụ thuộc vào hoạt động của thủy điện Bản Vẽ. Đầu tháng 6, do nhà máy thủy điện vận hành liên tục, nước thượng nguồn đổ về thiếu nên dẫn đến tình trạng tuyến đường thủy trên sông Nậm Nơn không thể hoạt động. Hồ thủy điện Khe Bố đang lấy nước của thủy điện Bản Vẽ để cung cấp cho vùng hạ du cũng đang thiếu trầm trọng. Ảnh hưởng thấy rõ nhất là khi các nhà máy thủy điện tích nước dẫn tới các dòng sông trong khu bảo tồn thiên nhiên đang “chết dần, chết mòn”. Các sông như Nậm Quang, Nậm Giải, sông Hiếu… hiện nay đang trơ đáy.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 8 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động và 2 nhà máy đang thi công. Hiện nay, mực nước tại các hồ đã xuống quá thấp, không thể xả xuống vùng hạ du. Tại thủy điện Bản Vẽ, bình thường mực nước lòng hồ ở cao trình 200 thì bây giờ chỉ còn ở mức 160,67 - mực nước chiều sâu không được 10 m (trong tầm mực nước chết).
Trước tình hình khô hạn diễn ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất điện tại Nhà máy thủy điện Bản Vẽ để có đủ điện đáp ứng nhu cầu trong nước theo dự tính. Hiện tại, Chi cục Thủy lợi tỉnh đang phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND tỉnh trong việc đảm bảo mực nước tại các hồ đập để phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống của người dân. Ngoài ra, Chi cục còn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương và các công ty thủy điện xả nước theo kế hoạch cấp nước đầu năm theo quy định từ ngày 1 - 30/6, xả mỗi ngày 110 m3/s. Nếu từ ngày 30/6 không có mưa thì các hồ thủy điện sẽ cạn, cần có giải pháp khắc phục.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 4 đến tháng 10, tình trạng thiếu nước, khô hạn diễn ra trên diện rộng ở khu vực Trung Bộ, trong đó các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ kéo dài đến khoảng giữa và cuối tháng 9/2015. Tình trạng khô hạn, thiếu nước đã xảy ra trên diện rộng từ Nghệ An đến Bình Thuận và Tây Nguyên.
.