Ky2: Tận dụng cơ hội, khắc phục hạn chế
(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, việc tìm đầu ra cho sản phẩm các làng nghề đang được các cấp, ngành quan tâm, bước đầu đã có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt, trước thềm hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (viết tắt là AEC), các sản phẩm làng nghề của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng sẽ có nhiều cơ hội để gia nhập thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để sản phẩm làng nghề Việt đứng vững trên thị trường AEC thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Theo lộ trình tuyên bố chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đề ra tầm nhìn khu vực đến năm 2020 thì AEC đã mở ra nhiều cơ hội để các nước hội nhập và phát triển. Cùng với các sản phẩm nông, công, ngư nghiệp… thì các sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp sẽ được gỡ bỏ hàng rào thuế quan và thuế xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN sẽ là 0%. Và theo đó, các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ đa dạng và phong phú hơn so với trước đây.
Gia nhập AEC, các doanh nghiệp cần phải tạo dựng được thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế (ảnh chụp tại cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Đức Phong) |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu Việt Nam gia nhập AEC, làng nghề trong nước sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc phát huy năng lực, lợi thế của mình. Có thể kể đến như: Giá nhân công lao động của Việt Nam hiện nay rẻ hơn so với các nước trong khu vực; thị trường nguyên liệu cho làng nghề rất phong phú; nhiều mặt hàng độc, lạ mà các nước không có khi xâm nhập vào thị trường AEC sẽ phát huy được lợi thế… Từ đó, các sản phẩm làng nghề của nước ta sẽ dễ dàng có mặt trên thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á sau khi Việt Nam gia nhập AEC vào cuối tháng 12/2015 tới đây.
Tuy nhiên, các sản phẩm làng nghề của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường các nước ASEAN. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các làng nghề trong nước hiện nay khi đầu ra của sản phẩm vẫn còn là vấn đề nan giải, chưa tìm được lối đi bền vững. Nhiều mặt hàng sản phẩm làng nghề truyền thống là thế mạnh của nước ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Song song với đó, một số mặt hàng thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng đang tồn tại nhiều yếu kém, thua thiệt về mẫu mã, chất lượng so với các nước trong khu vực có chung dòng sản phẩm.
Ở Nghệ An, nhiều thương hiệu làng nghề như nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), nước mắm Quỳnh Dị (TX Hoàng Mai), làng mộc ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), tương (Nam Đàn), hương trầm (Quỳ Châu)… đang dần xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức để tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Chính vì vậy, trước thềm gia nhập AEC vào cuối năm 2015, sản phẩm làng nghề của các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ có thể tràn vào Việt Nam mà Nghệ An cũng là một trong số các tỉnh nằm trong tình thế bắt buộc phải “bơi chung”. Nhiều sản phẩm làng nghề sẽ được minh bạch, công khai về giá cả, chất lượng sản phẩm, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chính sách phù hợp, nếu không sẽ bị tụt hậu, thậm chí là đóng cửa, phá sản.
Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong hiện nay đã có mặt tại 34 nước trên thế giới và Công ty cũng là cơ sở bao tiêu sản phẩm cho 35 làng nghề mây tre đan trên địa bàn Nghệ An trong những năm qua. Tuy nhiên, khi phân tích các điều kiện cạnh tranh mà AEC quy định, ông Thái Đức Phong, Giám đốc Công ty cho rằng: “Nguyên liệu và nhân công của Việt Nam rất rẻ và dồi dào. Thế nhưng, so với các nước, chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã của chúng ta còn yếu và kém. Các cơ sở đào tạo tay nghề cao đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chưa thật sự chuyên nghiệp. Hiện nay, chúng ta còn phải vừa làm, vừa học, vừa mày mò theo kinh nghiệm nên còn mang tính chắp vá, manh mún”.
Cũng qua tìm hiểu các làng nghề trên địa bàn tỉnh, đại diện các cơ sở đều cho rằng, hiện nay, sản phẩm của chúng ta đã có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, để đứng vững về lâu dài thì về khâu liên kết nhóm giữa các làng nghề để tiến tới xây dựng bản quyền, thương hiệu mang tầm quốc tế, hiện nay chúng ta chưa làm được. Khâu xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm ở thị trường các nước trong thời gian qua chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi sản phẩm làng nghề của Việt Nam rất hiếm có “chỗ đứng” tại các hội chợ quốc tế. Làm thế nào để sản phẩm làng nghề đảm bảo đủ chất và lượng để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực khi gia nhập AEC là câu hỏi lớn cần được sớm giải đáp. Trước mắt, khâu liên kết giữa làng nghề với doanh nghiệp, đổi mới, đầu tư máy móc hiện đại, đào tạo đội ngũ tay nghề cao là những việc làm cần được triển khai nhanh chóng.
.