Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/trien-khai-vay-von-theo-nghi-dinh-67-ngu-dan-kho-tiep-can-vi-von-doi-ung-609366/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/trien-khai-vay-von-theo-nghi-dinh-67-ngu-dan-kho-tiep-can-vi-von-doi-ung-609366/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ngư dân khó tiếp cận vì vốn đối ứng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 20/05/2015, 07:49 [GMT+7]
Triển khai vay vốn theo Nghị định 67

Ngư dân khó tiếp cận vì vốn đối ứng

(Congannghean.vn)-Ngày 7/7/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt. Đây là Nghị định được đánh giá như “luồng gió mới”, tiếp sức cho ngư dân cả nước vươn khơi, bám biển, tăng năng suất lao động và nguồn thu nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi triển khai Nghị định đến nay, ngư dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay để đóng tàu mới có công suất trên 400CV theo quy định.
 
Sau khi Nghị định 67 được ban hành, cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các ban, ngành đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc các quy định hướng dẫn thực hiện Nghị định tới ngư dân. Cùng với đó, thủ tục rà soát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của ngư dân về chủ trương đóng tàu có công suất lớn, đủ khả năng bám biển dài ngày cũng được triển khai rộng khắp. Qua tìm hiểu, đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 9.000 hộ đăng ký chương trình vay vốn theo Nghị định 67.
Ngư dân hiện đang gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67
Ngư dân hiện đang gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67
Tuy nhiên, về thủ tục để được chấp thuận vay vốn lại đòi hỏi nhiều điều kiện như: Ngư dân phải có hồ sơ đăng ký đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu có công suất từ 400CV trở lên; chủ tàu phải chứng minh được nguồn vốn đối ứng từ 30% trở lên mới được giải ngân nguồn vốn vay… Chính vì vậy, về mặt thủ tục, trong số gần 9.000 hộ đăng ký vay vốn thì số hồ sơ được phê duyệt chỉ chiếm chưa đến 10%. Tính đến nay, mới chỉ có một trường hợp là ngư dân Nguyễn Sỹ Thiết trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc đã được ký hợp đồng vay vốn đóng tàu khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với số tiền 4,18 tỉ đồng trong thời hạn 7 năm.
 
Với mức vay vốn như trên, ông Thiết có đủ khả năng đóng tàu công suất 490CV, với tổng chi phí cho đến khi hoàn thiện là khoảng gần 6 tỉ đồng. Đây cũng là trường hợp ngư dân đầu tiên của tỉnh Nghệ An được giải ngân vay vốn sau quá trình thẩm định hồ sơ của các ban, ngành liên quan. 
 
Theo quy định, nguồn vốn đối ứng mà ngư dân phải có là 30% đối với tàu vỏ gỗ và 5 - 10% đối với tàu vỏ thép. Điều này gây trở ngại rất lớn đối với đa số ngư dân, đặc biệt là những trường hợp điều kiện kinh tế còn khó khăn. Như vậy, nếu theo quy định thì việc sở hữu một chiếc tàu có công suất từ 400CV trở lên là khá khó khăn. 
 
Ông Trần Văn Tý trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Gia đình tôi hiện đang sở hữu một chiếc tàu có công suất gần 300CV, đã hoạt động từ nhiều năm nay. Khi Nhà nước có chủ trương cho ngư dân vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, ban đầu, tôi cũng có ý định đăng ký. Tuy nhiên, để đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất từ 400CV trở lên, gia đình phải có nguồn vốn đối ứng 30%, tương đương với số tiền trên 2 tỉ đồng thì rất khó để thực hiện.
 
Vì ngư dân như chúng tôi bám biển hàng chục năm nay, số tiền gom góp cũng chưa được là bao, đó là chưa kể đến nhiều khoản chi phí khác phải bỏ ra trước mỗi chuyến ra khơi”. Bên cạnh đó, theo phản ánh của ngư dân, hiện nay, ngoài số tiền đối ứng phải có, muốn tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 67 thì máy tàu phải được thay thế hoàn toàn. Có nghĩa là, các loại máy động cơ cũ còn sử dụng được mà ngư dân muốn mua là không được phép. 
 
Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm HTX làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc cho biết: “Với truyền thống của làng nghề hàng trăm năm qua, hiện nay, chúng tôi có thể đảm nhiệm tốt việc đóng mới tàu thuyền có công suất từ 400CV trở lên. Tuy nhiên, do ngư dân gặp khó khăn trong khâu tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 vì nhiều lý do khác nhau nên HTX cũng chưa nhận được nhiều đơn hàng”. 
 
Trước những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67, các cơ quan, ban, ngành cần nghiên cứu, xem xét, đề xuất, sửa đổi chính sách sao cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Mặt khác, cần tập trung hướng dẫn ngư dân cách tiếp cận vốn vay đạt hiệu quả, tháo gỡ những thắc mắc cũng như nhanh chóng hoàn tất việc thẩm định hồ sơ đã được phê duyệt theo quy định tại Nghị định 67. Công tác khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư, đóng mới, cải hoán, nâng cấp công suất tàu thuyền đủ khả năng vươn khơi, bám biển dài ngày cũng cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
.

Ngọc Thái

.