(Congannghean.vn)-Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dù đang sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành công nghiệp “không khói”, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa tương xứng. Tạo nét mới trên những điểm du lịch truyền thống cộng với việc “đánh thức”, khai thác điểm du lịch mới, độc đáo đang là hướng đi cần thiết với ngành du lịch tỉnh nhà.
Biển Cửa Lò (TX Cửa Lò), Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh) và Kim Liên (Nam Đàn) là 3 địa danh nổi tiếng mà du khách thường nghĩ tới mỗi khi có ý định đặt chân đến Nghệ An. Đây cũng là 3 điểm du lịch hấp dẫn, thu hút lượng lớn khách du lịch tới tham quan mỗi năm.
Tổng 2 tháng đầu năm 2015, Nghệ An đón 517.327 lượt khách, trong đó, khách lưu trú đạt 311.305 lượt (bằng 104% so với cùng kỳ năm 2014), khách quốc tế đạt 8.209 lượt (bằng 117% so với cùng kỳ năm 2014). Doanh thu du lịch ước đạt trên 176 tỉ đồng, bằng 105% so với năm 2014. |
Mặc dù có tiềm năng, lợi thế rất lớn nhưng các điểm du lịch vẫn chưa được khai thác triệt để. Nếu không đổi mới thì sẽ đến lúc, những điểm du lịch này sẽ trở nên quá quen thuộc và thiếu sức hấp dẫn với du khách. Hiện nay, tỉnh vẫn chưa tìm ra sản phẩm du lịch đặc trưng của 3 điểm trên cũng như của tỉnh Nghệ An nói chung. Gần đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi "Sáng tạo sản phẩm lưu niệm đặc trưng Nghệ An". Nhưng cuộc thi không mang lại thành công như mong đợi, mặc dù có rất nhiều nhà điêu khắc, họa sỹ, nghệ nhân và doanh nghiệp tham gia.
Trong lúc đó, việc quảng bá và quản lý các đặc sản vùng miền vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đơn cử như khi du khách tìm đến Nam Đàn, muốn tìm mua đặc sản tương để mang về làm quà nhưng họ không biết đâu là tương chính hãng. Nguyên nhân là vì, việc xây dựng thương hiệu còn nhiều hạn chế, chưa khoa học và thiếu tính đặc trưng. Kết quả là “mạnh ai nấy làm”, dễ thấy là trên Quốc lộ 46, bày la liệt hàng trăm tấm biển quảng cáo tương Nam Đàn mà không biết đâu là tương thật, chính hãng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, nếu muốn níu giữ chân du khách ở lại lâu hơn, dài hơn, các nhà quản lý du lịch, các cơ sở kinh doanh cần cải thiện, đầu tư nhiều điểm du lịch mới. Như tuyến du lịch Nam Đàn, cần mở rộng quy mô di tích gắn với trình diễn di sản văn hóa dân ca ví, giặm, kết hợp với tuyến du lịch đường Trường Sơn, qua Khu di tích lịch sử Truông Bồn, ngược lên cửa khẩu Thanh Thủy...
Lễ hội Làng Sen được tổ chức hàng năm, thu hút rất nhiều du khách |
Hoặc như ở TX Cửa Lò, phải đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển kết hợp giải trí, thể thao Lan Châu - Song Ngư. Đồng thời, gắn việc nghỉ dưỡng với loại hình du lịch sinh thái, làng nghề. Đặc biệt, cần tập trung bảo vệ môi trường, vấn đề cấp thoát nước, nhà vệ sinh công cộng... Từ đó, mở rộng theo tuyến đường ven sông Lam để kết hợp du lịch văn hóa tâm linh ở TP Vinh như: Đền Hồng Sơn, đền Quang Trung, đền Hoàng Mười, chùa Cần Linh... Từ TP Vinh, có thể mở rộng du lịch tâm linh gắn với 4 đền thiêng xứ Nghệ: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”...
Bên cạnh đó, Nghệ An cần khai thác các điểm du lịch mới như: Khu du lịch Hải Thịnh (Nghi Lộc), Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), nước khoáng nóng Giang Sơn (Đô Lương), chùa Gám (Yên Thành)... Xa hơn, có thể phát triển du lịch theo trào lưu “phượt” hiện nay bằng tuyến ngược lên thác Kèm, leo núi trong Vườn quốc gia Pù Mát, du lịch trên sông để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cộng đồng làng bản dân tộc Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong...
Tất nhiên, đầu tư du lịch là chiến lược đầu tư dài hơi, không thể trong một sớm, một chiều mang lại hiệu quả ngay. Và, trong xu thế hợp nhất văn hóa và du lịch như hiện nay, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ là đòi hỏi cấp thiết và rất cần sự nhận thức rõ ràng của các cấp, ngành liên quan và của chính mỗi người dân.