(Congannghean.vn)-Nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 hiện rất dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay, tại các chợ, đang tràn lan hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhãn mác, trong khi giá cả mỗi nơi lại một kiểu, khiến người tiêu dùng bất an.
Thực phẩm “bẩn” tràn lan thị trường
Dạo một vòng tại các chợ trên địa bàn TP Vinh, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, cả trong lẫn ngoài chợ, mặt hàng bánh kẹo và mứt tràn lan nhưng hầu hết đều không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại quầy hàng của một tiểu thương chuyên bán mứt Tết, các loại mứt rất đa dạng và bắt mắt, có nhiều loại mứt tự làm như: mứt bí, gừng, cà rốt, nho, dừa... Tất cả đều được đóng gói trong những bao nilông với trọng lượng khoảng từ 5 - 10 kg nhưng không được che đậy hoặc chỉ che đậy qua loa, sơ sài, thậm chí, trên bao bì cũng không ghi rõ thông tin về sản phẩm.
Không chỉ riêng các mặt hàng như bánh kẹo, rượu mà tất cả các loại thực phẩm phục vụ dịp Tết đều khiến người dân lo lắng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng phân biệt, phát hiện thật giả để tìm mua được nguồn thực phẩm sạch. Thêm nữa, do giá thành rẻ lại hợp khẩu vị nên các sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn rất “hút” khách. Người dân cũng đành “tặc lưỡi” cho qua, dù trong lòng không khỏi lo âu.
Trong vai một người mua hàng với số lượng lớn, khi đến một cửa hàng bánh kẹo lớn tại cổng chợ Vinh, chúng tôi hỏi về giá cả và có thắc mắc về vấn đề ATVSTP, chủ cửa hàng cho biết: “Người dân bây giờ tránh xa hàng Trung Quốc nên chúng tôi lấy hàng của các cơ sở sản xuất trong nước, một số là hàng Thái Lan”. Tuy nhiên, khi được đề nghị cho xem thương hiệu, nhãn mác, họ tỏ ra khó chịu: “Người ta mua sỉ hàng trăm hộp làm quà tặng cũng không đòi coi thương hiệu, còn cô mua được bao nhiêu mà đòi hỏi”.
Các sản phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên các sạp hàng tại chợ Vinh |
Tại các chợ nông thôn, các gian hàng mứt, bánh kẹo cũng được bày bán rất bắt mắt. Điều đáng nói, nhiều sản phẩm không hề có nhãn mác hoặc chỉ được ghi bằng chữ nước ngoài mà không hề có bất kỳ thông tin gì bằng tiếng Việt. Các hãng bánh kẹo trong nước không nhận được nhiều sự ưu ái của người dân nghèo vì giá thành cao hơn so với hàng nhập khẩu giá rẻ. Vì vậy, phần lớn mặt hàng bánh kẹo Tết ở nông thôn vẫn là các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Tâm lý ham rẻ, ham nhiều đã tạo điều kiện cho những loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc này phát triển rộng khắp.
Còn về giá cả của mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết thì cũng "muôn hình vạn trạng", khiến người mua không khỏi băn khoăn. Tại chợ Vinh, mỗi cửa hàng lại bán với mỗi giá khác nhau. Đơn cử, chỉ một sản phẩm mứt khoai lang, giá bán sỉ có nơi chỉ 38.000 đồng/kg nhưng có chỗ lại lên tới 45.000 đồng/kg; mứt dừa trắng có nơi bán sỉ 80.000 đồng/kg, nơi lại cao hơn từ 40.000 - 50.000 đồng dù ở trong cùng một chợ. Các mặt hàng Tết khác như me khô, hạt dưa cũng chung kiểu "loạn giá". Chị Nguyễn Thị Lan (khách hàng) lo lắng: "Năm nay, có quá nhiều mặt hàng khác nhau, tôi không phân biệt được mặt hàng nào tốt để mua. Đi chợ mua kẹo bánh Tết từ sáng đến giờ mà tôi vẫn đang phân vân, chưa biết nên chọn loại nào có giá cả phù hợp lại đảm bảo chất lượng”.
Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
Hiện tại, Tết Nguyên đán đang đến gần, sức mua của người tiêu dùng cũng gia tăng đáng kể. Nỗi lo về ATVSTP lại trở thành vấn đề “nóng”. Nhất là trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp “bóc gỡ” các vụ việc liên quan đến kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra 14 cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn TP Vinh, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên… Qua quá trình kiểm tra, nhìn chung, các cơ sở đã xuất trình đầy đủ hồ sơ quy định về ATVSTP. Đoàn đã nhắc nhở một số cửa hàng kinh doanh rượu bia, bánh kẹo chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật và ký cam kết không buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vi phạm, phổ biến như: Một số hộ kinh doanh còn bán hàng thiếu nhãn mác, không rõ nguồn gốc; có cơ sở sản xuất thiếu giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATVSTP của các mặt hàng đang kinh doanh…
Đoàn đã tiến hành lập biên bản và thu hồi 222 kg bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt với số tiền 15.000.000 đồng. Ngoài ra, cũng trong dịp này, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã phát hiện rất nhiều vụ vận chuyển các thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Nếu không được phát hiện, bắt giữ kịp thời, chúng sẽ trở thành “đặc sản” cho nhiều gia đình trong dịp Tết.
Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Hiện nay, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của tỉnh, các huyện, xã đang tiến hành kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất các thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, bánh, mứt, kẹo... Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn khi tiêu thụ ra thị trường. Trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.
Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nếu không đủ điều kiện, có thể sẽ bị đình chỉ kinh doanh, không để các sản phẩm không đảm bảo ATVSTP lưu thông trên thị trường… Cũng theo ông Dũng, để tránh sử dụng thực phẩm kém chất lượng, người dân cần lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, với đầy đủ các tiêu chí về tên thực phẩm, tên địa chỉ cơ sở sản xuất, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, thời hạn sử dụng, đặc biệt phải rất cảnh giác với thực phẩm ngoại có nguồn gốc không rõ ràng.
Theo quy luật, trong những ngày cuối năm, thường gia tăng các hoạt động buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu. Vì vậy, bên cạnh công tác tăng cường đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng, mỗi người tiêu dùng nên tự ý thức, nâng cao cảnh giác khi mua và sử dụng thực phẩm.
.