Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201502/meo-mat-vi-quyet-dinh-xu-phat-thieu-khach-quan-584813/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201502/meo-mat-vi-quyet-dinh-xu-phat-thieu-khach-quan-584813/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Méo mặt' vì quyết định xử phạt thiếu khách quan - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/02/2015, 07:59 [GMT+7]

'Méo mặt' vì quyết định xử phạt thiếu khách quan

(Congannghean.vn)-Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã lập biên bản xử phạt đối với cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga có địa chỉ tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) do nơi bảo quản, chứa đựng thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại. Tuy nhiên, theo chủ cơ sở này, đó chỉ là mấy con ong mật bị rơi vào thùng chứa mật mía từ nơi sản xuất. Do quyết định thiếu khách quan trên lại được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của một thương hiệu sản xuất cu đơ lâu năm trên địa bàn.
 
Xây dựng thương hiệu từ chữ tín
 
Với hơn 20 năm xây dựng và phát triển, cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga được biết đến là một thương hiệu nổi tiếng trên địa bàn Hà Tĩnh. Sản phẩm hiện đã có mặt trong một số hệ thống siêu thị như siêu thị INTIMEX Nghệ An, siêu thị COOPMART Phú Yên, Quãng Ngãi, Đà Nẵng, Huế... Chủ cơ sở Nguyễn Văn Phong là một cựu chiến binh, người đặc biệt tâm huyết với nghề, luôn trăn trở làm sao để biến loại kẹo mang tính truyền thống này trở thành một sản phẩm có giá trị thương mại cao.
Quyết định xử phạt đối với cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga được đánh giá là chưa thực sự khách quan
Quyết định xử phạt đối với cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga được đánh giá là chưa thực sự khách quan
Xuất phát từ trăn trở đó, năm 2013, cơ sở Phong Nga mạnh dạn đầu tư tiền tỉ để xây dựng hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị bài bản theo quy trình khép kín. Trong đó, có 5 phòng kho, gồm kho chứa nguyên liệu đầu vào, kho chứa nguyên liệu ướt, kho chứa nguyên liệu đã qua tuyển chọn, kho bảo quản sản phẩm và kho lưu giữ máy móc sửa chữa. Khu nhà xưởng sản xuất được thiết kế thông thoáng và lát gạch, ốp tường toàn phần, có cửa kính che chắn bụi bẩn, côn trùng. Trang thiết bị sản xuất gồm máy rửa gừng, máy xay gừng, nồi ủ, máy khuấy kẹo, khuôn, máy đóng hút chân không... đều bằng inox và được điều khiển bằng điện.
 
Về quy trình sản xuất, mật mía nhập về cho vào hệ thống bể lọc 3 ngăn để loại bỏ hết tạp chất, sau đó tiếp tục được lọc qua ống dẫn dài 12 m nhằm đảm bảo đủ độ tinh khiết ở ngăn chứa cuối cùng trước khi đưa vào làm kẹo. Các nguyên liệu khác như lạc, mạch nha, gừng cũng được tuyển chọn hết sức khắt khe. Chính nhờ sự đầu tư bài bản, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kẹo cu đơ Phong Nga luôn được người tiêu dùng đánh giá cao và nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam, Bộ Công thương, UBND tỉnh Hà Tĩnh...
 
“Méo mặt” vì một quyết định xử phạt
 
Những tưởng với sự đầu tư bài bản cùng một quy trình sản xuất khép kín, cơ sở kẹo cu đơ Phong Nga sẽ tiếp tục nhận được sự động viên, khích lệ của các cấp, ngành và xem đây là mô hình mẫu để nhân rộng thì bất ngờ, cơ sở này bị xử phạt một cách thiếu khách quan. Kết luận trong biên bản thanh, kiểm tra của đoàn liên ngành an toàn thực phẩm ghi rõ: Cơ sở vi phạm nơi bảo quản thực phẩm, chứa đựng thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại. Tuy nhiên, văn bản này lại không chú thích rõ đó là loại côn trùng, động vật gây hại nào. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đây chính là cách làm lập lờ, có chủ ý của những người có trách nhiệm nhằm làm mất uy tín của cơ sở?  
 
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Phong thừa nhận, việc đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra và phát hiện có mấy con ong mật nổi lên trên bể lọc đầu vào là có thật. Tuy nhiên, đây không phải là loại côn trùng có hại, bởi nếu có hại thì không còn ai dám sử dụng mật ong. Hơn nữa, nó lại có nguồn gốc từ nơi sản xuất mật mía, chứ không phải tại cơ sở. Theo quy trình, mật mía sau khi nhập về được cho vào bể lọc 3 ngăn chứa, ngăn đầu tiên có chức năng loại bỏ tạp chất lớn. Tiếp đó, mật mía được lọc sang ngăn thứ hai để chảy qua hệ thống lọc bằng đường ống dài 12 m vào bể cuối cùng trước khi đưa vào chế biến đảm bảo độ tinh khiết cao nhất.
 
“Với lương tâm, trách nhiệm và uy tín của mình, chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. Tôi khẳng định rằng, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, không có cơ sở sản xuất kẹo cu đơ nào đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm như ở đây. Khi đoàn kiểm tra đến vớt được mấy con ong mật, tôi đã trình bày và giải thích nhưng không được chấp thuận. Thú thật, việc bị phạt và bị đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như tinh thần của anh chị em công nhân. Năm hết Tết đến rồi mà thế này thì buồn quá”, ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ.
 
An toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối quan tâm của toàn xã hội, trực tiếp tác động đến sức khỏe cộng đồng, cần được quản lý một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý đối với cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga là chưa thực sự khách quan, dẫn đến làm mất uy tín cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nỗ lực của tập thể người lao động của cơ sở này.
.

Trung Thông - Văn Đình

.