(Congannghean.vn)-Theo quy định đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Thông tư 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014, quy hoạch kho số viễn thông thì đến ngày 1/3/2015, mã vùng điện thoại cố định và di động trên cả nước sẽ thay đổi. Đây là bước tiến mới nhằm cân bằng giữa kho số điện thoại cố định và di động hiện nay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông quản lý thuận lợi hơn đối với kho số thuê bao. Tuy nhiên, trước những thay đổi về mã số điện thoại cố định, nhiều doanh nghiệp, cơ quan đơn vị… đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự xáo trộn mã số, mã vùng.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phát đi thông cáo báo chí sau khi ban hành Thông tư 22 về quy hoạch kho số viễn thông mới, mã vùng của 59/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sẽ được thay đổi, trừ 4 tỉnh gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang và Vĩnh Phúc vẫn giữ nguyên. Thông cáo báo chí cũng nêu rõ lý do của việc thay đổi mã vùng là vì trong những năm gần đây và thời gian tiếp theo, số lượng thuê bao di động ngày càng tăng, trong khi đó, tỉ lệ sử dụng thuê bao điện thoại cố định liên tục giảm.
Theo thống kê, hiện nay, số lượng thuê bao điện thoại cố định chỉ chiếm 5,4% trong tổng số 130 triệu thuê bao ở cả 2 loại hình nói trên. Chính vì vậy, với xu hướng thuê bao di động tăng mạnh thì nguy cơ quá tải, thậm chí thiếu kho số cho loại hình viễn thông này sẽ xảy ra. Đó là chưa kể đến việc bất cập, mất cân bằng về độ dài mã vùng, mã số như hiện nay. Bên cạnh đó, theo phân tích thì việc thay đổi mã số điện thoại sẽ hạn chế được tin nhắn “rác” như hiện nay.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá, những nội dung mà Thông tư 22 quy định đã đưa ra lộ trình mới phù hợp với xu thế phát triển của viễn thông trong tương lai. Tuy nhiên, việc thay đổi mã vùng đã gây không ít phiền phức cho các doanh nghiệp, đơn vị, hộ gia đình… trước khi Thông tư có hiệu lực thi hành vào ngày 1/3/2015. Cùng với cả nước, Nghệ An cũng nằm trong diện phải thay đổi mã vùng điện thoại cố định trong thời gian tới. Theo lộ trình, mã vùng thuê bao cố định của Nghệ An từ 038 sẽ thay đổi thành 238, TP Hà Nội từ 04 thành 24, TP Hồ Chí Minh từ 08 thành 28…
Anh Hoàng Thắng, Giám đốc một công ty xây dựng và thương mại ở huyện Nghĩa Đàn cho biết: Với đặc thù là đơn vị thường xuyên liên lạc, giao dịch với đối tác bằng điện thoại cố định nên công ty đã tiến hành in hóa đơn, danh thiếp phát đi có kèm theo số điện thoại cố định. Từ hàng chục năm nay, số điện thoại của công ty cũng đã được đối tác lưu và liên lạc qua lại. Công ty cũng đã biết đến việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định trong thời gian tới qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do thói quen của công ty cũng như khách hàng, chúng tôi gặp phải không ít rắc rối. Đó là việc phải in lại số điện thoại trên các văn bản, giấy tờ… để phát đi các nơi. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh cũng như giao dịch của công ty.
Đây cũng là phản ánh chung của các doanh nghiệp khi chúng tôi tiến hành khảo sát trước việc thay đổi mã vùng số điện thoại cố định trong thời gian tới của Bộ Thông tin và Truyền thông. Họ đều phàn nàn về những phiền phức vì phải thay đổi thói quen từ nhiều năm nay, đó là thay đổi lại danh bạ điện thoại. Việc thay đổi số điện thoại trên bao bì sản phẩm, danh thiếp, mẫu quảng cáo… cũng gặp khó khăn khi phải tiến hành in ấn lại, gây tốn kém một khoản tiền không nhỏ.
Ông Bùi Đức Thắng, Giám đốc Hãng taxi Sông Lam cho biết: “Đơn vị chúng tôi vừa mới thành lập, việc in logo quảng cáo, số điện thoại dán trên xe taxi cũng đã được triển khai đồng loạt. Tính sơ bộ, mỗi xe, chúng tôi phải bỏ ra khoảng 300 nghìn đồng để in logo, số điện thoại. Nay mã vùng, số điện thoại cố định thay đổi thì bắt buộc chúng tôi phải sửa lại. Điều này cũng gây thiệt hại không nhỏ tới tình hình tài chính của công ty. Chưa kể, với việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định, khách hàng cũng phải mất một thời gian mới quen với việc quay số của hãng taxi mà đơn vị thực hiện. Tương tự, nhiều doanh nghiệp vận tải, các hãng taxi trên địa bàn Nghệ An cũng phải thay đổi mã vùng số điện thoại cố định đã được đăng ký, sử dụng trước đó.
Trước những thắc mắc của người dân về việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định, trong thời gian tới, trả lời phỏng vấn báo chí hồi đầu tháng 1/2015, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nhiều thông tin phân tích về việc thực hiện Thông tư 22. Ông Lê Nam Thắng khẳng định: Ngày 1/3/2015 là thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực của quy hoạch chứ không phải tất cả nội dung quy hoạch bắt đầu phải có hiệu lực. Quy hoạch là để có định hướng trong 20 - 30 năm, thậm chí 50 năm tới. Thông tư cũng nói rõ, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch trong rất nhiều năm.
“Trong năm 2015, trước mắt, sẽ tập trung cho việc quy hoạch mã vùng. Không phải thay ngay một lúc hàng chục mã vùng mà thực hiện theo từng giai đoạn, vùng trước, vùng sau và có kế hoạch cụ thể. Bỏ mã vùng hoặc giảm số mã vùng xuống thì giá cước cuộc gọi sẽ giảm, có lợi cho người nghèo”, ông Thắng khẳng định.
.