(Congannghean.vn)-Hàng năm, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu lưu thông, sử dụng tiền mặt của người dân lại tăng cao. Do vậy, đảm bảo sự hoạt động thông suốt, tránh những trường hợp rủi ro cho khách hàng sử dụng dịch vụ ATM trong dịp Tết là vấn đề “sống còn” được đặt ra cho các ngân hàng.
Nơm nớp lo sợ máy ATM bị lỗi
Máy rút tiền tự động (máy ATM) là công cụ tiện ích giúp ngân hàng cung cấp dịch vụ nhanh chóng tới khách hàng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dịch vụ là vấn đề đặt ra cho tất cả ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt trong một thị trường tài chính sôi động. Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu giao dịch tiền mặt tại các máy ATM của người dân lại tăng cao. Ngoài những lo ngại về chất lượng dịch vụ ATM của các ngân hàng, vấn đề rút phải tiền rách, tiền hỏng hay không rút được tiền đang là những mối bận tâm của người dân.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng chính thức có hiệu lực từ ngày 12/12/2014, được coi là động thái nhằm quản lý tốt hơn hoạt động của các ngân hàng, trong đó có việc quản lý hệ thống máy rút tiền tự động ATM, tránh tình trạng hết tiền, máy bị lỗi khiến người dân không thể rút được tiền. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đã chủ động triển khai tới hệ thống các ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện nghiêm túc đúng với tinh thần Nghị định cũng như cung cấp đầy đủ thông tin để đông đảo khách hàng có thể theo dõi, nắm bắt.
Cần tăng cường giám sát, đảm bảo máy ATM hoạt động thông suốt vào dịp Tết khi lượng người rút tiền tăng cao - Ảnh minh họa |
Cứ vào giờ tan tầm, đi qua các điểm đặt máy ATM ở đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai… sẽ thấy cảnh tấp nập, người nối người chờ đến lượt sử dụng các dịch vụ ATM. Sở hữu đến 3 thẻ ATM của 3 ngân hàng khác nhau để tiện giao dịch trong công việc nhưng không ít lần, chị Nguyễn Thị Hà trú tại phường Lê Mao, TP Vinh vẫn không hài lòng: “Những giờ cao điểm, tôi đi rút tiền thì thỉnh thoảng máy ATM lại báo lỗi. Khó chịu nhất là khi trong tài khoản có tiền và cần dùng tiền thì lại không thể lấy ra do máy ATM trục trặc. Điều này ảnh hưởng tới việc làm ăn và khiến tôi tốn công, tốn thời gian”.
Giám sát chặt chẽ các máy ATM
Ông Phan Đức Tiến, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nghệ An cho biết: Hiện, Ngân hàng có 29 máy ATM, trong đó có 6 máy đặt trên địa bàn TP Vinh. Ngân hàng đã chỉ đạo, tập trung giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, không để máy ATM hết hoặc quá thời hạn quy định. Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, bảo mật cho hệ thống ATM; cảnh báo khách hàng nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động tội phạm sử dụng thẻ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Ngoài ra, Ngân hàng còn phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời các sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, đảm bảo các giao dịch ATM được thông suốt.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại khác trên địa bàn cũng đã đồng loạt triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định trên. Ông Phan Viết Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương chi nhánh Trung Đô cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Ngân hàng Công thương chi nhánh TP Vinh và Ngân hàng Công thương chi nhánh Trung Đô đang có khoảng 30 máy ATM với khoảng trên 100.000 chủ thẻ.
Để đảm bảo cho các máy ATM duy trì hoạt động thông suốt, chúng tôi đã cho nhân viên đi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống máy rút tiền tự động, công khai số điện thoại đường dây nóng tại các điểm rút tiền tự động, đồng thời đảm bảo chế độ theo dõi sát sao 24/24 giờ, đề phòng các sự cố. Hoạt động của các máy ATM được giám sát thường xuyên để tiếp quỹ kịp thời cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho các giao dịch trong dịp lễ, Tết. Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng lượng hộp quỹ dự phòng cho các máy ATM và đảm bảo định mức tồn quỹ tại ATM theo đúng quy định của hệ thống, không để xảy ra tình trạng máy hết tiền”.
Như vậy, nhờ sự tiện ích của ATM, dịch vụ này phát triển rất nhanh. Thông qua việc giao dịch ATM, các tổ chức tín dụng không những góp phần tích cực vào việc giảm được lượng tiền mặt lưu thông mà còn đóng góp quan trọng trong việc đổi mới phương thức thanh toán, giao dịch. Đặc biệt, với việc thực hiện Nghị định 96/NĐ-CP, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, góp phần tích cực trong cải tiến phương thức giao dịch, thanh toán theo hướng hiện đại, thuận lợi và chính xác. Với sự chủ động này, từ nay, người dân sẽ phần nào vơi bớt nỗi lo về sự cố máy ATM tạm ngưng phục vụ.
.