(Congannghean.vn)-Những ngày này, về thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), mọi người, mọi nhà không kể già, trẻ, gái, trai đều tham gia sản xuất hương trầm, phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán 2015.
Hối hả làng nghề
Về thị trấn Tân Lạc vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, trên khắp các con đường đều thoang thoảng mùi hương ngọt ngào, quen thuộc. Nó gợi lên sự ấm áp trong cái giá lạnh của mùa đông vùng cao. Dường như cái Tết đang đến sớm hơn với những người làm hương trầm Quỳ Châu.
Dạo quanh một vòng thị trấn Tân Lạc, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người người, nhà nhà đang tập trung cao độ sản xuất hương trầm. Mỗi người thực hiện một công đoạn, người quấn hương, người cho hương vào bao đóng gói... Ghé vào cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình chị Trần Thị Loan ở khối 2A, thị trấn Tân Lạc, chúng tôi được chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp, khẩn trương, từ ngoài sân vào trong nhà được bố trí như một dây chuyền sản xuất hương trầm chuyên nghiệp. Không chỉ có những phụ nữ lớn tuổi mà còn có những em học sinh tiểu học tranh thủ thời gian nhàn rỗi, cũng tham gia vào dây chuyền sản xuất hương trầm phục vụ nhu cầu Tết.
Em Nguyễn Văn Bình (11 tuổi) chia sẻ: “Vào dịp gần Tết, nghề làm hương trầm nhộn nhịp hẳn lên. Gia đình em không sản xuất hương trầm, nhưng những ngày này, sáng đi học, chiều về em lại sang nhà dì Loan để làm hương, phụ giúp cho gia đình. Em tham gia quấn hương ở đây đã được 3 năm rồi”.
Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ 30 - 40 năm. Để sản xuất ra được những búp hương trầm thơm đặc biệt của vùng núi miền Tây xứ Nghệ, những người làm hương phải rất tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng công đoạn, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến việc quấn hương. Mùa làm hương trầm thực sự bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, nhưng ngay từ đầu mùa hè, các gia đình làm hương trầm đã bắt đầu đi chọn nứa về để chẻ, ngâm rồi đưa ra phơi để làm chân hương. Họ cũng tất bật đi mua nguyên liệu làm bột hương để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Khác với hương xạ, những người thợ làm hương trầm Quỳ Châu trải từng mảnh giấy dài 40 cm, 60 cm hay 1 m rồi đặt chân hương vào giữa và rải bột hương vào để quấn. Sau đó, chuyển sang cho các em nhỏ thu gọn, quấn lại thành từng bó một. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng do thạo nghề nên bàn tay quấn hương của các em giống như những nghệ nhân thành thục.
Những đứa trẻ cũng tranh thủ làm hương trầm |
Vươn lên làm giàu từ nghề làm hương trầm
Toàn huyện Quỳ Châu hiện có 8 làng nghề hương trầm, trong đó, riêng thị trấn Tân Lạc có tới 5 làng nghề, với gần 100 hộ, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng triệu cây hương. Nhờ có nghề làm hương trầm, đến nay nhiều gia đình đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Trần Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan cho biết: Gia đình chị bắt đầu làm hương từ năm 1988, nhờ bí quyết do ông bà nội truyền lại. Những năm trước đây, do làm thủ công nên gia đình chỉ sản xuất được khoảng 2 triệu que. Từ năm 2012, gia đình đầu tư mua thêm máy cắt giấy nên Tết năm nay, cơ sở sản xuất được trên 3 triệu que, tạo việc làm thường xuyên cho 20 công nhân, với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hương trầm của gia đình chủ yếu được bán ở TP Vinh, tỉnh Hà Tĩnh... với giá bán từ 4.000 - 5.000 đồng/búp tùy loại”.
Theo chị Loan, làm hương trầm không khó, nhưng để hương có mùi thơm, người làm phải biết cách chọn lựa nguyên liệu, rồi trộn với tỉ lệ phù hợp vì bột hương quyết định tới chất lượng của hương trầm. Nguyên liệu để làm bột hương bao gồm: quế, hoa hồi, thảo quả, đinh hương.
Nhờ nghề làm hương trầm, giờ đây, gia đình chị Loan đã có cuộc sống sung túc, trừ mọi chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình chị thu về từ 200 - 300 triệu đồng. Nhờ vậy, con cái trong gia đình chị được học hành đến nơi đến chốn. Nghề làm hương trầm thật sự trở thành nghề “xóa đói, giảm nghèo”, làm giàu cho gia đình chị Loan nói riêng và người dân thị trấn Tân Lạc nói chung. Không những vậy, còn giúp bộ mặt của thị trấn Tân Lạc ngày càng khang trang, sầm uất hơn vào dịp Tết đến, xuân về.
.