(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, để thúc đẩy kinh tế, thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển bền vững, TP Vinh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực như đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở các chợ, khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ cá thể mở rộng đầu tư, quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị nhằm từng bước xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.
Chợ Vinh là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ có quy mô lớn nhất TP Vinh. Toàn chợ có hơn 3.200 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh, buôn bán với hệ thống quầy hàng, ki-ốt có đầy đủ các mặt hàng phục vụ đời sống người dân. Hoạt động bán buôn, bán lẻ ở chợ Vinh đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 2 tỉ đồng/năm. Để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, năm 2009, chính quyền thành phố đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống đình chính với công suất thiết kế hơn 1.400 ki-ốt.
Chợ Vinh - Trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh Nghệ An |
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế để thu hút các nhà đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh thương mại - dịch vụ.
Trong đó, việc hình thành và xây dựng các dãy phố chuyên kinh doanh là bước đột phá trong thúc đẩy kinh tế thương mại của thành phố. Trên các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Quang Trung…, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã mạnh dạn đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ. Sự phát triển đa dạng của lĩnh vực kinh tế, thương mại - dịch vụ đã làm cho bộ mặt đô thị của TP Vinh trở nên sôi động, sầm uất hơn.
Thương mại - dịch vụ là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn nhất trong hoạt động kinh tế của thành phố. Vì vậy, việc tạo thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh thương mại - dịch vụ đã góp phần đưa tỉ trọng kinh tế năm 2014 của thành phố tăng 8,3% so với năm 2013. Hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ có tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 8.157 tỉ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh hoạt động kinh doanh của hệ thống siêu thị, toàn thành phố hiện có 1.033 doanh nghiệp kinh doanh thương mại - dịch vụ, tăng 59 doanh nghiệp so với năm 2013.
Việc các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể mở rộng đầu tư kinh doanh đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại đang từng bước làm thay đổi diện mạo kinh doanh hàng hóa bán lẻ và thói quen mua sắm truyền thống của người dân. Đồng thời, đưa mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ của thị trường nội địa ngày càng tăng trưởng.
Trao đổi về vấn đề đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại - dịch vụ của TP Vinh trong thời gian tới, ông Trần Quang Lâm, Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố cho biết: “Thời gian qua, chính quyền tỉnh Nghệ An và TP Vinh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giảm thuế, giãn thuế và xóa nợ nộp thuế chậm. Sang năm 2015, dự báo vẫn còn khó khăn nên thành phố sẽ tiếp tục có những cơ chế khuyến khích đầu tư, tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, có chính sách ưu tiên các tổ chức, cá nhân phát triển các chuỗi siêu thị theo quy hoạch. Từ đó, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh nhằm tăng doanh thu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Phát triển kinh tế, thương mại - dịch vụ là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, để hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển xứng tầm, thành phố cần có chính sách hỗ trợ tư vấn, quảng bá cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng trong cấp giấy phép kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng văn minh thương mại. Quy hoạch và phát triển có hiệu quả hệ thống siêu thị đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương… Có như vậy, mới góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng có tính bền vững.
.