Kinh tế xã hội
Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Kỳ 2)
08:33, 06/12/2014 (GMT+7)
Kỳ 2: Cần bước đột phá để chính sách phát huy hiệu quả thực sự
Như đã nói ở kỳ trước, Nghị định số 210/2013/NQ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách “Khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” là cơ hội, động lực mạnh mẽ để DN và nông dân “bắt tay” hiệu quả hơn trong việc nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn nhiều rào cản nhất định. Trong đó, điều đáng bàn là làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi nhất để chính sách sớm được tiếp cận tới các DN.
Cần bước đột phá lớn bên cạnh chính sách ưu đãi về thuế để DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả |
Còn nhiều rào cản
Thực tế, nhiều năm nay, những chính sách ưu đãi hỗ trợ ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn thời nào cũng có nhưng chưa nhiều DN mặn mà “nhảy” vào đầu tư. Năm 2013, Nghệ An có 1.800 DN hoạt động ở địa bàn nông thôn với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau (tăng 300 DN so với năm 2010) nhưng nhìn chung, các DN có số vốn thấp so với yêu cầu, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, những chính sách của Nhà nước, của tỉnh nhằm khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn do đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi…
Thực tế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, sản xuất nông nghiệp phần lớn đang tồn tại ở mô hình truyền thống “nông hộ”, manh mún, nhỏ lẻ mà chưa có sự tập trung và liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Thiếu vốn và những hạn chế trong cơ chế quản lý đất đai (đất phục vụ sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ) có thể xem là hai trở ngại lớn cho việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến.
Đặc biệt, điều đáng lưu tâm đó là việc thiếu và yếu của “đội ngũ” những người đại diện cho các hộ dân liên kết với DN cùng tổ chức sản xuất. Mặt khác, cơ sở hạ tầng về đường giao thông, điện, nước, viễn thông... vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; cơ chế quản lý, cấp phép, giải phóng mặt bằng, dịch vụ công của các cơ quan, ban, ngành mặc dù đã có nhiều cải tiến, song vẫn còn những bất cập, thiếu đồng bộ. Điểm nghẽn trong nông nghiệp nhiều năm qua vẫn là hoạt động chủ yếu ở mô hình HTX và hộ cá thể, dẫn tới yếu kém về vốn cũng như công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp.
Cần có bước đột phá
Nhìn từ những khó khăn, rào cản trên cho thấy, rõ ràng để khuyến khích việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhanh chóng và hiệu quả hơn, bên cạnh chính sách ưu đãi về thuế, rất cần đến nhiều giải pháp đồng bộ: Từ khâu quản lý đến thúc đẩy, kêu gọi và thực hiện các dự án đầu tư… Trong đó, điều đáng quan tâm là việc các nhà đầu tư đều rất cần đến sự định hướng thông tin, hỗ trợ thiết thực, kịp thời về chính sách từ phía chính quyền địa phương. Bởi nếu cứ để họ loay hoay “tự bơi” như hiện nay, việc đầu tư sẽ không thể có đột phá như mong muốn. Từ đó, làm hạn chế và triệt tiêu tính hiệu quả của các dự án.
Đánh giá một cách toàn diện các chính sách quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với điều kiện thực tế ở Nghệ An, việc cần thiết là phải nghiên cứu bổ sung một số chính sách đảm bảo phù hợp hơn với điều kiện thực tế của tỉnh. Đánh giá được tầm quan trọng của việc làm trên, UBND tỉnh xác định: Việc ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 là hết sức cần thiết.
Theo đó, Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ, đầu tư của tỉnh dành cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020 bao gồm: Lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị quyết này bổ sung các chính sách hỗ trợ ngoài quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi lợn, trâu, bò thịt có quy mô, số lượng đầu con nhỏ hơn quy định tại Nghị định số 210; hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; đầu tư các công trình thủy lợi; đầu tư vùng nguyên liệu tập trung.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đề án chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, cần chú trọng bổ sung các địa phương thuộc đối tượng đặc biệt; thêm các đối tượng được áp dụng. Cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu với các cơ chế, chính sách hiện hành để tránh tình trạng chồng chéo các chính sách, gây thất thoát kinh phí cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện…
Đầu tư vào nông nghiệp luôn tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bởi những đặc thù vốn có của nó. Trong khi tình hình kinh doanh của DN ngày càng khó khăn, muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn cần có những giải pháp đột phá. Việc DN có thể tiếp cận những ưu đãi đầu tư nông nghiệp một cách dễ dàng chính là bước đệm cần thiết để đưa DN về nông thôn. Hy vọng với sự nỗ lực, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, chính sách mới sẽ từng bước triển khai có hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng có những dấu ấn và khởi sắc mới.
Hạnh Hồng