Khoa học - Công Nghệ
Cần làm gì khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn?
Trong thời gian gần đây, hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn người xảy ra ở một số địa phương, khiến nhiều người lo ngại. Vì sao có hiện tượng này và cần phải làm gì để phòng ngừa, điều trị khi bị rắn cắn?
Hiện tượng khác thường, chưa rõ nguyên nhân
Tên Rắn lục đuôi đỏ mới biết gần đây, chưa có trong sách chuyên ngành nên chưa rõ tên khoa học. Nước ta có gần 20 loài thuộc họ Rắn lục, trong đó rắn lục mép trắng (Cryptelytrops albolabris), rắn lục xanh (Viridovipera stejnegeri), rắn lục vôn-gen (Viridovipera vogeli) giống với rắn lục đuôi đỏ: Đầu hình tam giác phủ toàn vảy nhỏ, cổ nhỏ, cơ thể dài dưới 1m, phía trên thân màu xanh, đuôi đỏ nâu, có 2 răng (nanh) dài và cong ở phía trước hàm trên thông với nọc độc.
Rắn xuất hiện nhiều, có thể do gặp điều kiện thuận lợi cho rắn đẻ nhiều, tỷ lệ sống cao nên số lượng tăng nhanh. Rắn vào nhà để tìm con mồi, rắn đực tìm theo rắn cái để giao phối hay vùng sống của rắn bị tác động xấu. Rắn không chủ động tấn công người, trừ vài loài như rắn hổ mang, rắn hổ chúa. Rắn cắn người là do ngẫu nhiên bị đè, va chạm, hoảng hốt khi bị săn đuổi, do thói quen bắt giữ con mồi hay do phản ứng tự vệ.
Rắn lục sống ở vùng rừng núi thuộc nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam. Phổ biến hơn cả là rắn lục mép trắng thường ở trên cây, ngày cuộn mình nằm yên cách mặt đất 30 - 50cm hoặc treo mình trên cành cây; hoạt động đêm, ăn chim, thú nhỏ, thằn lằn, ếch nhái; đẻ 4 - 13 con/lứa; đôi khi có vào nhà dân.
Thông tin trên báo chí, mạng Internet gần đây cho thấy rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều nơi thuộc nhiều tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long. Việc hàng trăm người bị rắn cắn cả ở nơi xa rừng là quá khác thường, chưa rõ nguyên nhân, rất cần được điều tra, xem xét kỹ.
Một số biện pháp phòng ngừa rắn cắn
Nhiều loài rắn hay ở bờ bụi, hang hốc, trên cây, hoạt động đêm; khi thấy động thì lảng tránh. Vì vậy cần phát quang cây cỏ, san lấp gò đống, hố rãnh quanh nhà. Củi rác, gạch ngói nên xếp gọn, xa nhà. Buổi tối nên đóng kín cửa. Nếu không cần thì tránh đi vào chỗ rậm rạp; nếu phải đi thì nên có giầy cao cổ, tất vải, quần áo vải dày, mũ rộng vành, gậy để xua đuổi rắn, ban đêm dùng đèn soi. Nên quan sát kỹ nơi định bước chân, định ngồi hay nằm nghỉ, cả phía dưới, phía bên và trên đề phòng có rắn. Không tiếp xúc với rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời. Khi bắt rắn nên dùng gậy có móc nâng rắn lên rồi lựa thế nắm nhẹ vào thân rắn, hướng miệng rắn ra ngoài hoặc cầm sát xương đầu để rắn không thể quay lại cắn được. Rắn đựng trong bao tải hay túi vải vẫn có thể cắn qua thành túi. Nếu là rắn độc thì dưới 1 năm tuổi đã có nọc độc.
Về việc nhiều người dân mua củ nén, tỏi, sả về giã ra, rắc xung quanh nhà: Trước đây chỉ nghe nói nên trồng cây sả ở quanh nhà để tránh rắn vào nhà, chưa biết hiệu quả; còn việc dùng củ nén (hành tăm), tỏi thì chưa rõ tác dụng, cần tìm hiểu thêm.
Cần chữa trị kịp thời và đúng cách khi bị rắn cắn
Nọc rắn có khoảng 20 loại độc tố, ở mỗi loài rắn có những độc tố khác nhau. Nọc độc xâm nhập theo đường mạch bạch huyết, không nhất thiết theo mạch máu. Chất độc có thể tác dụng riêng lên từng cơ quan hoặc lên toàn bộ cơ thể người. Khi bị rắn lục cắn, chỗ cắn bị sưng tấy, gây xuất huyết dưới da và trong cơ. Nọc sẽ tác dụng đến tế bào máu, phá hủy các mô, thành mạch, cơ tim; rối loạn đông máu, trụy tim mạch. Nạn nhân thấy chóng mặt, khó thở, phù nề; có thể liệt hô hấp, suy thận, nhiễm độc thần kinh. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim dẫn đến tử vong.
Nguyên tắc chữa trị: Ngăn chặn, hạn chế lượng nọc xâm nhập vào cơ thể. Loại thải, phân hủy nhanh lượng nọc đã nhiễm. Hồi sức, chữa các triệu chứng ngộ độc, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Bị rắn cắn chưa hẳn đã nguy cấp, vì có thể đó là rắn lành, hay rắn độc nhưng lượng nọc ít, chưa đủ gây độc. Nọc rắn chỉ phát huy tác dụng khi tiếp xúc với máu người. Các bác sĩ khuyên cần để nạn nhân nằm yên để hạn chế nọc xâm nhập vào cơ thể, không nên buộc ga rô, chích mổ hay nặn máu ra. Những người xung quanh cần bình tĩnh để sơ cứu.
Cần có dây vải mềm, dây cao su để băng ép, gói thuốc tím, thuốc lào, một số lá cây, quả hay hạt để sơ cứu người bị rắn cắn. Có thể dùng một số cây: Gừng, cỏ gừng (lá, củ), cỏ lào, cỏ xước, chanh (lá, quả), đu đủ (rễ, quả non), gấc, hà thủ ô, lá lốt, long não, mào gà đỏ, mướp đắng hay khổ qua (lá, hạt), ớt, phèn đen, sòi tía, thầu dầu, trầu không, vông vang, rau dệu; nhai hoặc giã lấy nước uống, còn bã đắp vào nơi bị rắn cắn. Ngoài ra còn có thể dùng thuốc lào, hạt đỗ xanh, vôi ăn trầu, dấm thanh, quế thanh, phèn chua giã nhỏ để đắp. Sau đó dùng cáng, khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa.
Nguồn: dangcongsan.vn