Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201412/du-an-di-dan-khan-cap-ra-khoi-vung-thien-tai-sat-lo-tai-huyen-quy-hop-dan-bat-an-huyen-bat-luc-565244/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201412/du-an-di-dan-khan-cap-ra-khoi-vung-thien-tai-sat-lo-tai-huyen-quy-hop-dan-bat-an-huyen-bat-luc-565244/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dân bất an, huyện 'bất lực' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 02/12/2014, 14:11 [GMT+7]
Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại huyện Quỳ Hợp

Dân bất an, huyện 'bất lực'

(Congannghean.vn)-Hơn 3 năm Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) để di dân khẩn cấp ra khỏ vùng thiên tai, sạt lở đất tại các xã Châu Tiến, Liên Hợp và Châu Thành, huyện Quỳ Hợp được triển khai, đến nay, tiến độ xây dựng rất chậm. Điều này đồng nghĩa với nỗi hoang mang, lo sợ của người dân trong mùa mưa bão. 
 
2 năm chưa xong giải phóng mặt bằng
 
Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng Mường Hạt, Mường Nghinh thuộc các xã Châu Tiến, Liên Hợp và Châu Thành, huyện Quỳ Hợp đều phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ các trận lũ lụt, lốc xoáy. Cuộc sống vốn đã khắc nghiệt, khi thiên tai ập đến khiến hàng chục hộ dân nơi đây không kịp trở tay, thoáng chốc bị nhấn chìm ruộng vườn, hoa màu và nhà cửa, tài sản trâu, bò vốn là "chỗ dựa" bao đời nay của họ. Bão lũ qua đi, để lại một vùng rộng lớn cảnh tan hoang, tiêu điều, xơ xác. Nhiều hộ trắng tay, phải trông chờ vào sự cứu giúp của Nhà nước, cộng đồng.
Điểm tái định cư mới triển khai  ở hạng mục giải phóng mặt bằng
Điểm tái định cư mới triển khai ở hạng mục giải phóng mặt bằng
Thực hiện Quyết định 193, ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo (giai đoạn 2005 - 2010, tính đến 2015), tháng 8/2010, huyện miền núi Quỳ Hợp được phê duyệt Dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại xã Châu Tiến và Liên Hợp theo Quyết định 966/QĐ-UBND ngày 29/3/2011, với tổng số vốn toàn Dự án lên đến 36,134 tỉ đồng. Tiếp đó, ngày 21/11/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1776 về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo (giai đoạn 2013 - 2015, tính đến 2020). 
 
Theo phê duyệt, Dự án được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2014, với 42 hộ dân của bản Pật, xã Châu Tiến và 31 hộ dân ở 2 bản Duộc và bản Quắn, xã Liên Hợp dọc sông Tèn. Kinh phí Dự án được phê duyệt có tổng số vốn 17,411 tỉ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 12,188 tỉ đồng, địa phương 5,223 tỉ đồng).
 
Dự án được phê duyệt triển khai đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu nay của hàng chục hộ dân ảnh hưởng cũng như chính quyền, người dân các xã. Thế nhưng, đến nay sau hơn 2 năm thực hiện, tiến độ xây dựng khu tái định cư diễn ra rất chậm. Cụ thể, tại bản Pật, xã Châu Tiến mới chỉ thực hiện ở hạng mục san lấp mặt bằng trong tổng các hạng mục được duyệt là san lấp mặt bằng, giao thông nội vùng, điện, nước tự chảy, nhà cộng đồng và sân thể thao. Còn tại các bản Duộc, Quắn, xã Liên Hợp cũng mới dừng lại ở hạng mục san lấp mặt bằng, làm cầu tràn giao thông trong tổng số các hạng mục gồm: San lấp mặt bằng, giao thông nội vùng, điện, nước, nhà cộng đồng, sân thể thao.
 
Không chỉ tại 2 xã trên, ở xã Châu Thành cũng nằm trong dự án xây dựng khu TĐC để di dân khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại bản Na Bon nhưng mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát dân cư. Toàn bộ 65 hộ dân trong diện di dời, với kinh phí đầu tư lên đến 27,145 tỉ đồng (trong đó, Trung ương 19 tỉ đồng, địa phương trên 8,1 tỉ đồng) nhưng đến nay chưa được cấp một khoản nào. Do đó, người dân vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ, bấp bênh nơi bản cũ. Họ rất hoang mang, thấp thỏm khi có mưa lớn. 
 
Dân bất an, huyện "bất lực"
 
Theo ông Vi Văn Chương, Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quỳ Hợp: Dự án được triển khai nhưng rất chậm, nguyên nhân là do nguồn vốn thiếu và cấp "nhỏ giọt". Tại 2 xã Châu Tiến và Liên Hợp, trong tổng số trên 17 tỉ đồng nhưng mới cấp được hơn 11,8 tỉ đồng, trong đó, nguồn Trung ương 10,4 tỉ đồng/12,188 tỉ đồng, địa phương 1,4 tỉ đồng/5,223 tỉ đồng. Còn tại xã Châu Thành thì đến nay chưa được triển khai. Nhìn chung, công tác di dời và xây dựng điểm tái định cư mới cho dân đến ở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mùa mưa lũ sắp đến, huyện và địa phương rất lo lắng nhưng cũng "lực bất tòng tâm", bởi lý do nguồn vốn không có để tiếp tục triển khai.
Nhiều hộ dân ở bản Pật, xã Châu Tiến đang bám lại nơi bản cũ
Nhiều hộ dân ở bản Pật, xã Châu Tiến đang bám lại nơi bản cũ
 
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Văn Quỳ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Theo quyết định của Chính phủ, các dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt thì vốn được huy động lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng do nguồn lực huy động tại địa phương miền núi rất khó khăn, trong khi đó, vốn từ các nguồn khác và cả Trung ương cấp về còn khiêm tốn, nhỏ giọt nên nhiều dự án chậm tiến độ.
 
Như vậy, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, thực hiện các quyết định phê duyệt đã có 3 dự án được triển khai, với tổng số vốn trên 50 tỉ đồng, với gần 140 hộ trong diện ảnh hưởng nhưng tất cả đang ngổn ngang, ì ạch. Hàng chục hộ dân được hưởng chính sách di dời đến nơi tái định cư ở huyện Quỳ Hợp đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm gần mép sông, khe suối, vùng nguy cơ sạt lở núi, hàng ngày, hàng giờ đang phải đối mặt với lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, đe dọa đến tính mạng và tài sản khi mùa lũ đến. “Bài toán” lúc này là các cấp, ngành sớm tìm biện pháp tháo gỡ để di dân khẩn cấp đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ, tránh những hậu quả khó lường có thể xảy ra.
.

Xuân Thống - Đức Thắng

.