Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201412/canh-giac-voi-chieu-thuc-xa-hang-giam-gia-cuoi-nam-565238/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201412/canh-giac-voi-chieu-thuc-xa-hang-giam-gia-cuoi-nam-565238/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với chiêu thức xả hàng, giảm giá cuối năm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 02/12/2014, 14:04 [GMT+7]

Cảnh giác với chiêu thức xả hàng, giảm giá cuối năm

(Congannghean.vn)-Cứ vào thời điểm cuối năm, trên địa bàn TP Vinh, hàng giảm giá, xả hàng lại đồng loạt “xuống” đường. Dạo qua các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Đại lộ Lê-nin…, các mặt hàng thời trang giảm giá (đặc biệt là thời trang thu đông: áo ấm, giày) được bày bán sôi động với những băng rôn và biển giảm giá thu hút người mua. Điều đặc biệt, không chỉ các “cửa hàng” bán lưu động trên đường phố, lòng, lề đường áp dụng hình thức này mà các cửa hàng thời trang cũng đua nhau thực hiện chiến dịch “giảm giá sốc”, xả hàng nhằm cạnh tranh thị trường trong cuộc chiến giành giật “thượng đế”.
 
Đánh vào tâm lý “ham” của rẻ
 
Trước tiên, nói về việc nhiều cửa hàng thời trang, chủ yếu là quần áo đồng loạt quảng cáo giảm giá, với các mức giảm đa dạng: 15%, 30%, thậm chí lên tới 50 - 60%. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn đây chỉ là “chiêu trò câu khách”. Lợi dụng tâm lý thích xài hàng chất lượng cao nhưng có giá “mềm” của người tiêu dùng, các cửa hàng đã sử dụng giá ảo, nâng sản phẩm lên mức giá tự kê khai “trên trời” rồi đưa ra hình thức giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Như thế, giá trị thật của hàng hóa đã bị giấu nhẹm đi. Bởi vậy, mặc dù mang tiếng giảm giá, song khi đã giảm rồi thì sản phẩm đến tay khách hàng mới chính là giá gốc ban đầu.

 

Người tiêu dùng cần cảnh giác với các hình thức xả hàng, giảm giá
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các hình thức xả hàng, giảm giá
Tại một cửa hàng thời trang ở đầu đường Nguyễn Văn Cừ, trong đợt xả hàng “tưng bừng giảm giá”, chúng tôi thấy có nhiều mặt hàng chất lượng và mẫu mã tương đương hàng bán ở vỉa hè và các chợ như chợ Vinh, Quán Lau… nhưng lại được “đôn” giá lên từ 100 - 300 nghìn đồng. Như vậy, nếu áp dụng mức giảm giá 15% thì khi bán được sản phẩm, cửa hàng vẫn có lãi, thậm chí là “lãi đậm” so với giá bán bình thường. Bởi vậy, nhiều cửa hàng không ngần ngại quảng cáo giảm giá cực sốc.
 
Và với những khách hàng thích mua hàng giảm giá và thiếu tỉnh táo sẽ bị “sập bẫy” một cách dễ dàng của các cửa hàng không trung thực. Những chương trình khuyến mại, xả hàng hiện nay trên địa bàn thành phố cũng không ít nơi phạm luật. Nhà nước có quy định: “Một chương trình khuyến mại không vượt quá 45 ngày, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”.
 
Thế nhưng, vẫn có những nơi căng biển giảm 60%. Theo lời kể của một nhân viên bán hàng ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, cửa hàng này đã bán “hàng thanh lý” suốt 3 tháng (từ tháng 9/2014 – 11/2014). Sau khi hàng cũ được bày bán trước cửa hàng vừa vơi đi, cửa hàng lại tiếp tục nhập thêm hàng mới về… thanh lý.
 
Đối với hàng vỉa hè, tạm thời không đề cập tới giá cả, điều đáng quan tâm hơn đó là chất lượng sản phẩm. Không thể phủ nhận rằng, hàng vỉa hè rất thu hút khách bởi sự đa dạng về mẫu mã và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là mức giá khá “mềm”. Đơn cử, chỉ với từ 150 - 200 nghìn đồng, người mua đã có thể sở hữu một chiếc áo phao dày. Chính những ưu thế về chủng loại, mẫu mã và giá cả mà không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân “tấp nập” bên cạnh đống quần áo, giày dép, túi xách… được chất cao trên những tấm ni lông, bạt trải trực tiếp trên vỉa hè. 
 
Người tiêu dùng cần cảnh giác
 
Qua khảo sát thị trường cho thấy, một số khu vực, địa điểm kinh doanh, bán hàng tràn lan với giá siêu rẻ, nhưng lại khó kiểm chứng chất lượng. Phần lớn các sản phẩm hầu như không có nhãn mác hoặc thông tin sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ. Theo một người bán hàng ở đường Đinh Công Tráng, hàng hóa được bày bán phần lớn là nguồn hàng thanh lý của các công ty sản xuất trong nước, một số bị lỗi nhỏ về đường may… nhưng không đáng kể, không xuất khẩu được nên đành bán với giá thành rẻ. Còn về nhãn mác không rõ ràng là do trong quá trình vận chuyển không được bảo quản tốt nên bị mờ, bị mất…
 
Trong các mặt hàng khuyến mại, giảm giá, cũng có không ít cửa hàng thực hiện chương trình này nhằm thanh lý hàng cuối năm hoặc tri ân khách hàng. Tuy nhiên, số khách hàng chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng từ các đợt giảm giá không nhiều. 
 
Thời điểm cuối năm là dịp để hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… lợi dụng nhu cầu mua sắm và tâm lý ưa chuộng hàng giá rẻ của người tiêu dùng để buôn bán tràn lan trên thị trường. Mỗi năm, cơ quan quản lý thị trường đều phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng hóa vi phạm pháp luật.
 
Tuy nhiên, do địa bàn quản lý rộng và nhiều hạn chế khác trong quá trình quản lý, kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường mà các điểm bán hàng giảm giá thường xuyên di động vẫn tồn tại và tạo được “sức hút” lớn. Bởi vậy, bản thân người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách mua hàng hóa ở địa điểm tin cậy.  Đồng thời, nếu phát hiện hàng kém chất lượng, hàng giả, người tiêu dùng nên trực tiếp phản ánh, thông tin đến cơ quan chức năng để góp phần bảo vệ và bình ổn thị trường. 
.

Hồng Hạnh

.