Sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, Việt Nam sẽ quay trở lại nhập siêu từ năm 2015 ở mức khoảng 6-8 tỷ USD.
Cơn gió lạ xuất siêu
Công bố hôm 3/11, Bộ Công Thương cho biết, tính đến 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu 1,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, "công" lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 10 tháng qua, nếu như khối DN trong nước nhập siêu gần 12 tỷ USD thì FDI lại xuất siêu tới 13,8 tỷ USD.
Dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, DN 100% vốn Việt Nam đã phải nhập khẩu tới 52,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, nhưng chỉ xuất được 40,6 tỷ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngược lại, các DN FDI đã xuất khẩu tới 82,5 tỷ USD, chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng chỉ nhập khẩu 68,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 56,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Nếu không kể dầu thô, khối FDI vẫn xuất khẩu đạt 76,2 tỷ USD. So với con số nhập khẩu trên, khu vực này sẽ vẫn đạt xuất siêu 7,5 tỷ USD.
Bộ Công Thương vừa cho biết, tính đến 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu 1,9 tỷ USD |
Bộ Công Thương cho biết, trong 14,5 tỷ USD tăng thêm xuất khẩu so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm thì khu vực FDI đã tăng 9,5 tỷ USD, đóng góp khoảng 65,5% kim ngạch tăng thêm.
Phần lớn cho kết quả xuất siêu thời gian qua đều đến từ các mặt hàng của FDI. Cụ thể, đó là các mặt hàng điện thoai di động của đại gia Samsung, chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước, hoặc mặt hàng máy vi tính linh kiện và điện tử (chiếm 98,7%), mặt hàng giầy dép (76,7%), hàng dệt may (59,6%) và máy ảnh chiếm 96,5%.
Bộ Công Thương đã dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ đạt kỷ lục xuất siêu từ trước tới nay. Năm 2011, Việt Nam chỉ xuất siêu có 300 nghìn USD. Đến năm 2012, ta xuất siêu 780 triệu USD. Năm 2013, con số xuất siêu tiếp tục nhích lên với mốc 900 triệu USD. Nhưng năm 2014, con số này sẽ tăng tới 1,5 tỷ USD.
Trước đó, chúng ta đã có 20 năm nhập siêu triền miên và chỉ có duy nhất năm 1992, Việt Nam xuất siêu với con số khiêm tốn 40 triệu USD.
Tuy nhiên, kỳ tích này chỉ là cơn gió lạ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đến năm 2015, Việt Nam sẽ quay trở lại nhập siêu. Dự kiến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt 163 tỷ USD, nhập siêu khoảng 6-8 tỷ USD.
Không bền vững
Tín hiệu đáng mừng nhất từ các con số trên mà ông Đỗ Thắng Hải cho biết, đó là việc nhập khẩu tăng cũng chính là biểu hiện của sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Nhiều lý giải mà Thứ trưởng Hải nêu ra đều cho thấy, nguyên nhân lớn là câu chuyện xuất siêu trong 3 năm qua chỉ là dựa hơi FDI. Khi FDI thay đổi kế hoạch, giảm xuất khẩu, tăng nhập khẩu thì kỳ tích trên cũng biến mất. DN trong nước với thế mạnh xuất khẩu nông thuỷ sản, hàng gia công như dệt may, da giày, thủy sản..., kim ngạch thấp nên không thể đủ bù đắp lại.
Thứ trưởng Hải chỉ ra, điều đầu tiên, đó là giới hạn về tốc độ tăng trưởng của DN FDI.
Mặt hàng điện thoại là mặt hàng "chủ lực" xuất khẩu cho Việt Nam từ 3 năm qua |
"Năm 2012, DN FDI tăng xuất khẩu đến 31% so với trước, năm 2013 tăng tiếp 22%. Nhưng năm nay, 2014, khu vực FDI sẽ chỉ tăng 12%", ông cho hay.
Theo ông Hải, mỗi DN FDI vào Việt Nam là đã có kế hoạch về công suất nhất định, không phải chạy theo tỷ lệ tăng trưởng sản lượng, tăng công suất mãi được.
"Lúc đầu mới đi vào hoạt động, họ chạy công suất nhỏ nên năm sau, tăng công suất, tỷ lệ tăng trưởng cao. Đến năm 2015, công suất của khu vực FDI đã đạt mức cao rồi nên dư địa cho khả năng trưởng xuất khẩu của FDI sẽ không còn nhiều như trước", ông Hải nói.
Cụ thể, nhìn vào mặt hàng điện thoại, vốn là mặt hàng "chủ lực" xuất khẩu cho Việt Nam từ 3 năm qua, kể từ khi có sự hiện diện của Samsung đã dự báo sẽ giảm sút mạnh trong năm tới.
Năm 2012, điện thoại xuất khẩu tăng 120,6% so với 2011, năm 2013, mặt hàng này tăng 45,3% so với 2012 nhưng 10 tháng đầu năm nay, chỉ tăng có 6% so với cùng kỳ.
Những mặt hàng trước đây đã tăng rất cao thì tới đây đã dần giảm xuống. Trong khi đó, khu vực DN trong nước vẫn đang nhập siêu, ông Hải chia sẻ.
Đồng thời, Việt Nam lại có kế hoạch nhập khẩu nhiều mặt hàng năng lượng có giá trị kim ngạch cao. Đó là than cho điện. Đặc biệt, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã có kế hoạch nhập khẩu cả dầu thô về sản xuất xăng dầu trong nước.
Năm 2015 cũng sẽ là năm mở ra nhiều cơ hội thuận lợi về phát triển xuất nhập khẩu. Đây là giai đoạn các hiệp định thương mại song phương, đa phương tiếp tục được ký, kể cả TPP, các cam kết hội nhập khác về thuế quan cũng bắt đầu có hiệu lực toàn diện.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Hải lo ngại, DN Việt Nam vẫn chưa có khả năng đáp ứng cả về chất lượng, số lượng với nhịp độ mới. Trong khi, doanh nghiệp FDI sẽ đón đầu các hiệp định này và sẽ có làn sóng mới đầu tư mở rộng ở Việt Nam, chuyển dịch từ các quốc gia khác vào Việt Nam. FDI sẽ tập trung nhiều cho việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị để phục vụ cho kế hoạch này tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ làm tăng kim ngạch nhập khẩu.
"Nếu như các thị trường khác, máy móc, thiết bị hàng hoá có chất lượng hơn, giá cao hơn thị trường Trung Quốc mà chúng ta lại tập trung nhập thì cũng có nghĩa tổng kim ngạch nhập khẩu sẽ cao hơn", Thứ trưởng Hải phân tích.
.