Kinh tế xã hội
Thị trường nín thở 'ngóng' MobiFone lên 'Tổng'
14:40, 13/11/2014 (GMT+7)
Hàng loạt động thái gần đây cho thấy, MobiFone đang nỗ lực để vươn lên một tầm cao mới, đáp ứng được quy hoạch phát triển viễn thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thừa tiêu chuẩn lên "Tổng"
Sau khi tách ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), MobiFone được đề xuất nâng lên thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone). Thông tin này thu hút sự quan tâm lớn trong giới đầu tư.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Quy trình cổ phần hóa một công ty có gì khác với cổ phần hóa một tổng công ty? Việc cổ phần hóa liệu có chậm vì động thái mới này hay không? Ảnh hưởng như thế nào tới việc định giá? Sức cạnh tranh như thế nào?...
Bàn luận về động thái này, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó Tổng giám đốc PNT International Auditing Co., Ltd cho rằng, đây không phải là bước đi mang tính hình thức mà là một bước quá độ để hướng tới phát triển thành một tập đoàn, hình thành thế chân vạc trên thị trường viễn thông. Kế hoạch "lên tổng" cũng không làm cho việc cổ phần hóa chậm lại.
"Không có gì khác cả, cổ phần hóa một công ty cũng giống như cổ phần hóa một tổng công ty, đều là cổ phần hóa DN. Đây là quá trình chuyển đổi các DNNN thành công ty cổ phần. Về mặt pháp lý, sau khi định giá DN và bán vốn nhà nước tại DN, DN sẽ là công ty cổ phần và việc cổ phần hóa là toàn bộ DN. Còn việc định giá dựa trên cơ chế đặc thù, do Chính phủ quyết định", ông Ngọc cho biết.
Theo đại diện công ty kiểm toán này, việc nâng lên tổng là để phù hợp với quy mô của nhà mạng, phù hợp với mô hình hoạt động "công ty mẹ - công ty con" như hiện tại. Còn việc chuyển từ VNPT về Bộ TT&TT giúp cổ phần hóa nhanh hơn.
Luật sư Đinh Vũ Hòa từ Công ty Luật Đại Việt cho biết, việc nâng VMS lên thành tổng công ty bản chất là đặt VMS vào vai trò công ty mẹ của một tổng công ty và xây dựng một hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết xoay quanh công ty mẹ này. Và việc cổ phần hóa VMS không làm ảnh hưởng tới vai trò của VMS đối với tổng công ty.
Nghị định 69/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập Tổng công ty theo hai trường hợp là thành lập mới và nâng các nhóm công ty tự phát triển đáp ứng đầy đủ điều kiện thành lập tổng công ty.
Theo Luật sư Hòa, hiện tại, mô hình hoạt động của MobiFone thực chất về quy mô, công nghệ, điều kiện cũng đã là một tổng công ty.
MobiFone đang nỗ lực để vươn lên một tầm cao mới |
Đại diện Luật Đại Việt cho biết, theo quy định tại Điều 3, Điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15/07/2014 về Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty nhà nước thì: Tổng công ty nhà nước là nhóm công ty gồm công ty mẹ, công ty thành viên và các doanh nghiệp liên kết đáp ứng các điều kiện như sau: Có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc một trong những ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng tạo nền tảng cho phát triển ngành hoặc vùng lãnh thổ; tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngành hoặc vùng lãnh thổ. Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm ít nhất 65% vốn điều lệ của công ty mẹ...
Thực tế, MobiFone đều đáp ứng vượt trội tất cả các quy định nói trên. Vốn của MobiFone hiện là 12.600 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với quy định "lên tổng". Quy mô của MobiFone toàn quốc, ngành nghề viễn thông là trọng yếu, tính chất ngành nghề là công nghệ. Như vậy, MobiFone hoàn toàn hoạt động như một tổng công ty mạnh.
Lên "Tổng" sẽ được giá hơn
Theo Luật sư Hòa, quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP cho thấy, chỉ có thủ tục cổ phần hóa DN chứ không có thủ tục cổ phần hóa tổng công ty. Có thể tiến hành song song hai thủ tục, vừa thành lập tổng công ty (tức thành lập các công ty con, liên kết các công ty có nhu cầu vào tổng công ty, thông báo với cơ quan chức năng), vừa tiến hành cổ phần hóa VMS (thay đổi chủ sở hữu).
"Tuy nhiên trên thực tế việc VMS trở thành công ty mẹ của một tổng công ty có thể nâng giá trị của VMS lên. Chính vì vậy chúng tôi cho rằng có thể nhà nước sẽ lựa chọn phương án nâng lên thành tổng công ty trước rồi mới cổ phần hóa", đại diện Đại Việt cho biết.
Gần đây một số hãng nước ngoài định giá MobiFone 2 tỷ USD, bằng với mức giá họ đưa ra cách đây 5-6 năm. Hồi tháng 6, CTCK HSC dựa trên giả định vốn hóa trên lợi nhuận (P/E) quá khứ là 12 lần, cho rằng, giá trị hiện tại của MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương khoảng 71 nghìn tỷ đồng. Cũng theo HSC, khi được tách ra, việc cổ phần hóa sẽ dễ dàng, không gặp trở ngại gì lớn.
Giờ đây, MobiFone đang có những bước đi mới để thực hiện Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để nhằm đảm bảo có từ 3 - 4 tổng công ty viễn thông mạnh, hình thành thế chân vạc trên thị trường viễn thông. Mô hình tổ chức và đổi tên Công ty Thông tin di động thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã được Bộ TT&TT chính thức trình lên Chính phủ chờ phê duyệt.
Ông Ngọc - đại diện PNT International Auditing đánh giá, với các bước đi nói trên, MobiFone sẽ có điều kiện để phát triển tốt hơn, cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn viễn thông khác trong nước. Sức hấp dẫn của cổ phiếu MobiFone, do vậy, sẽ lớn hơn.
"Hiện tại, VMS là một trong 3 mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam và là mạng đầu tiên, trước cả VinaPhone và Viettel. Các khách hàng của MobiFone toàn là DN lớn do vậy doanh thu lớn. Hoạt động của MobiFone cũng theo mô hình mẹ-con. Cho nên, việc nâng lên tổng công ty là phù hợp với quy mô hoạt động của nhà mạng này".
Hồi đầu tháng 11, ông Mai Văn Bình, Chủ tịch MobiFone chia sẻ với báo chí cho rằng, công ty trách nhiệm hữu hạn không thể cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn, vì vậy, bản thân MobiFone phải tự mình xây dựng lớn lên rồi cũng phải trở thành như các tập đoàn viễn thông khác. Lên tổng công ty là bước quá độ lên tập đoàn.
Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng bày tỏ những nỗ lực đẩy nhanh cổ phần hóa MobiFone thời gian gần đây. Chuyên gia này cho rằng, cổ phần hóa MobiFone sẽ gây áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại, buộc các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Lộ trình cổ phần hóa MobiFone đã khá rõ ràng. Nó khiến các NĐT lớn nhỏ trong và ngoài nước như: Telenor, Comvik, Orange France Telecom , SingTel, T-Mobile, Vodafone, các quỹ đầu tư, các CTCK... gần đây, rất quan tâm tìm hiểu tới DN viễn thông này.
Nguồn: vef.vn