Kinh tế xã hội
Vi phạm an toàn lao động: Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe
15:23, 11/11/2014 (GMT+7)
Trong mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm chú ý tới những diễn biến xung quanh vụ tai nạn lao động xảy ra tại khu vực công trường dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh vào sáng 6/11, khiến một người tử vong và hai người bị thương. Sự quan tâm chú ý này không chỉ dừng lại ở việc cá nhân, đơn vị nào sẽ bị xử lý kỷ luật mà quan trọng hơn cả là cần có những biện pháp như thế nào để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn lao động xảy ra về sau.
Tuyên truyền, thực hiện vừa thiếu vừa yếu
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số vụ tai nạn lao động gây chết người trong lĩnh vực xây dựng có xu hướng ngày càng tăng. Điểm qua một vài vụ tai nạn lao động xảy ra tại Hà Nội trong thời gian qua cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng tập trung chủ yếu là việc đơn vị thi công che chắn không đảm bảo yêu cầu, thiếu biển báo, thiết bị cảnh báo người qua đường, ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của chủ đầu tư và người lao động còn hạn chế...
Điển hình là vụ việc xảy ra vào chiều 20/10/2010, chị Lưu Thị Lan (làm việc tại Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khi đi xe máy trên đường Phạm Hùng bất ngờ bị thanh sắt từ cầu thang ngoài trời của tòa nhà Keangnam đang xây dựng rơi trúng tay phải gây vỡ xương.
Tiếp đó, ngày 22/9/2011, tại công trường xây dựng tòa tháp Lancaster Hà Nội trên phố Núi Trúc (quận Ba Đình, Hà Nội) khi đưa sắt từ sàn công trường lên tầng 7 thì cần cẩu bị đứt cáp, làm bó sắt bị rơi xuống đất gây tử vong một công nhân đang làm việc ở dưới.
Ngày 25/1/2013, một sinh viên đã bị tử vong khi đi qua một công trình xây dựng thuộc phường Phúc La (quận Hà Đông), bất ngờ bị chiếc cần cẩu đang cẩu thùng sắt chứa đầy cát bị đứt cáp, rơi xuống, đè vào người.
Ngay như tại công trường dự án đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh, nhiều người dân qua lại nơi đây cũng thấy giật mình vì sự nguy hiểm treo lơ lửng phía trên đầu.
Ảnh minh họa |
Chị Phạm Thanh Nga (36 tuổi, công tác tại FPT) ngày nào cũng đi làm qua khu vực này, thường xuyên thấy vẩy hàn (còn đỏ lửa) rơi tứ tung vào xe khiến chị hoảng sợ phải lao xe lên vỉa hè đi cho an toàn.
Biết việc thi công kém an toàn, biết việc lửa hàn rơi xuống vào người điều khiển xe máy làm họ giật mình dễ dẫn tới tai nạn giao thông, nhưng chị Nga không biết phải góp ý, kiến nghị với ai, với đơn vị nào để phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra.
Chị Nga cũng đã thử tìm hiểu, song không có số điện thoại liên hệ hay đường dây nóng nào của chủ đầu tư để góp ý. Cách chính thống nhất là phản ánh tới Phòng An toàn lao động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhưng chị lại thấy rườm rà, phức tạp nên đành thôi.
Chồng chị Nga, anh Nguyễn Việt Khoa cũng thường xuyên phải đi làm qua đây. Anh Khoa kể có lần bị vữa thi công của công trình đổ, bắn tung tóe khắp cửa kính xe. Vốn là người có kiến thức về xây dựng, anh Khoa cho rằng để phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động có thể xảy ra, nhà thầu nên chủ động vận chuyển vật liệu vào lúc đêm vắng, thưa người; chỗ thi công cần làm lan can bao rộng hơn ra ngoài phạm vi thi công đề phòng trường hợp vật liệu bị rơi; trước khi cẩu vật liệu phải kiểm tra thật kỹ các nút buộc; quá trình cẩu và vận chuyển vật liệu nặng hoặc vật liệu có tính không ổn định, có thể điều chỉnh, ngăn tạm thời dòng giao thông.
Theo anh Khoa, những quy định này bắt buộc người sử dụng lao động, nhà thầu, tư vấn giám sát đều phải nắm rõ. Song, tại công trình này, việc chấp hành thực hiện các quy định về an toàn lao động rõ ràng là có nhiều hạn chế.
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, khi thực hiện dự án xây dựng, công tác đảm bảo an lao động bao giờ cũng được đặt lên trên hết. Các công nhân, cán bộ phải được tập huấn đầy đủ và phải có thiết bị cảnh báo, những pano, áp phích để hướng dẫn cho người tham gia giao thông và người lao động.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, tại nhiều công trình xây dựng đã không đảm bảo thực hiện được quy định này.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Lê Toàn Khang cũng khẳng định công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về an toàn lao động trong thời gian qua chưa được thường xuyên.
Tại các đơn vị, doanh nghiệp mới chỉ chủ yếu đi vào việc khắc phục hậu quả sau mỗi đợt kiểm tra hoặc có khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Bản thân các đơn vị cũng chưa coi trọng thực hiện các quy định về biển báo, chỉ dẫn hoặc thiết lập các liên hệ để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp, đơn vị còn chưa tự giác thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, chưa chú trọng tới việc tập huấn đội ngũ kỹ thuật viên an toàn, không bố trí cán bộ chuyên trách nên đã dẫn tới tình trạng mất an toàn lao động tại các công trường.
Mức xử phạt chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe
Nguyên nhân để xảy ra các vụ tai nạn lao động, bên cạnh công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, theo ông Lê Toàn Khang còn có một nguyên nhân nữa là chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe.
Các mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, không có tác dụng phòng ngừa hữu hiệu, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động.
Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa phát huy tác dụng cao, khiến cho các đơn vị doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện những chấn chỉnh vi phạm này.
Quay trở lại công trình dự án đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh, trước khi xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ngày 6/11, cũng tại công trình này đã xảy ra một số sự cố làm đổ, gẫy cần cẩu, mặc dù không chết người nhưng cũng đã gây ảnh hưởng đến sự tham gia giao thông của người đi đường. Rõ ràng, những vi phạm an toàn lao động này đã được cảnh báo từ trước nhưng không được nhắc nhở, rút kinh nghiệm kịp thời để phòng ngừa tai nạn đáng tiếc về sau.
Mặc khác, cũng phải nhìn nhận là việc xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi để cảnh cáo, răn đe những hành vi vi phạm tương tự.
Điển hình nhất là sập giàn giáo xảy ra vào ngày 21/2/2012, tại tòa nhà Mulberry Lane trong khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) làm một người chết, bốn người bị thương do bị rơi từ tầng 10 xuống. Vụ việc khi đó đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội.
Cơ quan chức năng hẹn một tháng sau sẽ có kết luận chính thức về vụ việc này. Tuy nhiên, sau một tháng các thông tin liên quan đến vụ tai nạn hầu như “im ắng,” không rõ mức xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan như thế nào, thiếu sự cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung đối với những doanh nghiệp, đơn vị khác.
Hơn tám tháng sau, ngày 5/11/2012 tại công trình tòa nhà 28 tầng ở số 609 Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng xảy ra tai nạn tương tự, sập giàn giáo từ tầng 16, kéo theo hai công nhân đang thi công rơi thẳng xuống phía dưới và tử vong.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện khẩn trương chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường tại công trường thi công. Trong đó, nhấn mạnh các cơ quan chức năng và các chủ đầu tư có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công; khi thi công công trình phải có đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn... theo quy định; cử người gác thường xuyên, chỉ cho phép người có trách nhiệm vào khu vực thi công, thi công theo đúng giấy phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do nguyên nhân thi công gây ra.
Với biện pháp trước mắt này, hy vọng trong thời gian tới sẽ giúp giảm thiểu và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm các quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động ở những nơi đông người, đặc biệt là nơi tiếp giáp khu vực đông dân cư, những công trình trên các tuyến đường giao thông công cộng đông người.
Nguồn: dangcongsan.vn