Kinh tế xã hội
Liên kết khu công nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
14:10, 10/11/2014 (GMT+7)
Việt Nam đang nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có thể thấy, đây là một hướng quan trọng nhằm tái cấu trúc nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong phát triển công nghiệp.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, có thể có nhiều cách đi khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, thông qua mô hình liên kết liên kết trong các khu công nghiệp và giữa các khu công nghiệp với nhau là một trong những cách có thể thực hiện hiệu quả phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có thể coi đây là hình thức phân công hoạt động sản xuất giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của sản phẩm.
Thực tiễn cho thấy, việc thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp trong cùng một khu công nghiệp hoặc với các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp khác là mô hình được thực hiện thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Ở nước ta, hoạt động liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc giữa các khu công nghiệp với nhau được thể hiện khá rõ ở một số khu công nghiệp do các doanh nghiệp phát triển hạ tầng nước ngoài khai thác. Sự liên kết càng cao khi khu công nghiệp có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp đến từ cùng một quốc gia. Các doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, các sản phẩm có thể cung cấp, trao đổi cho nhau. Mối quan hệ này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tạo được liên kết trong sản xuất, không những tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhất là chi phí vận chuyển, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, sự liên kết này chưa nhiều. Một phần là do mục tiêu chủ yếu của các ban quản lý khu công nghiệp là thu hút đầu tư càng nhanh càng tốt, để nâng cao hiệu quả tài chính nên các doanh nghiệp trong mỗi khu công nghiệp có thể có nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau, như may mặc, thức ăn gia súc, bánh kẹo. Điều này đã dẫn tới khó tạo sự liên kết kinh tế hoặc phân công sản xuất giữa các doanh nghiệp trong cùng một khu công nghiệp.
Ảnh minh hoạ |
Để có thể thực hiện tốt việc liên kết kinh tế giữa các khu công nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần xác định rõ quy mô cho từng loại khu công nghiệp. Thực tế cho thấy, quy mô các khu công nghiệp ở nước ta còn có nhiều sự khác biệt giữa vùng, địa phương và giữa các khu công nghiệp cụ thể. Theo nghiên cứu của một số chuyên gia, quy mô trung bình cho mỗi khu công nghiệp tập trung có diện tích trong khoảng từ 300 đến 500 ha. Để các khu công nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, cần thực hiện chuyển dịch cơ cấu nội bộ khu công nghiệp theo hướng: Chuyển từ khu công nghiệp sản xuất sản phẩm sử dụng nhiều lao động, tài nguyên sang khu công nghiệp sử dụng nhiều vốn và công nghệ cao; chuyển từ khu công nghiệp những ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường sang sản xuất sản phẩm công nghiệp sạch; chuyển từ khu công nghiệp sản xuất, kinh doanh đơn thuần sang khu công nghiệp kết hợp sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu hoạt động khoa học công nghệ và triển khai kỹ thuật công nghệ cao…
Đẩy mạnh đa dạng hoá mô hình các khu công nghiệp. Mô hình tổ chức các khu công nghiệp cần phải đi sát với thực tế xu hướng phát triển khu công nghiệp hiện đại. Có thể thúc đẩy mô hình khu công nghiệp tập trung, trong đó bao gồm các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hoá hàng tiêu dùng trong nước và phục vụ hoạt động xuất khẩu. Ở nước ta, đã có một số khu công nghiệp đã thành công theo mô hình này. Do vậy, việc duy trì và áp dụng mô hình khu công nghiệp tập trung vẫn cần coi là những hướng phát triển cần thiết của các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong mô hình này, có thể kết hợp tổ chức hoạt động của cả các doanh nghiệp chế xuất và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước.
Đơn cử như mô hình khu công nghiệp tổng hợp. Trong mô hình này có thể bao gồm cả các doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và cả khu dân cư. Một trong những xu hướng mới hiện nay trong việc tổ chức hoạt động của khu công nghiệp là kết hợp phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp với các hoạt động cung cấp dịch vụ và các yếu tố đầu vào cần thiết cho các doanh nghiệp công nghiệp theo mô hình tổng hợp. Việc kết hợp phát triển các doanh nghiệp công nghiệp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như bưu điện, tài chính, thông tin liên lạc, vận tải… một mặt sẽ cho phép tạo ra một tổng thể khép kín các hoạt động, mặt khác sự kết hợp này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí dịch vụ do sự rút ngắn khoảng cách cung cấp dịch vụ, qua đó tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc phát triển các khu dân cư trong khu công nghiệp sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc hiện nay về nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp, qua đó tạo ra sự ổn định về lao động cho các khu công nghiệp.
Thúc đẩy mô hình liên kết khu công nghiệp theo ngành và theo khu vực địa lý. Mô hình này có thể cho phép các doanh nghiệp có thể tận dụng khả năng tiết kiệm chi phí giao dịch với sự tập trung của các nhà cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện và máy móc thiết bị, cũng như sự tập trung lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn phù hợp với từng ngành. Sự tập trung này cũng tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với từng ngành như dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tài chính kế toán… Những yếu tố này có thể bảo đảm sự phát triển bền vững của mô hình liên kết khu công nghiệp.
Các nước phát triển và đang phát triển có điều kiện tương tự như ở nước ta đã và đang áp dụng thành công mô hình liên kết khu công nghiệp để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, việc tổ chức liên kết khu công nghiệp ở nước ta có thể góp phần thực hiện thành công phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của các khu công nghiệp nói riêng và của toàn ngành công nghiệp nói chung…
Nguồn: dangcongsan.vn