Kinh tế xã hội
Lo ngại tốn hàng nghìn tỷ đồng để... dán tem bia
Ngày 12-11, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, các ý kiến lại hướng tới quy định dán tem cho sản phẩm bia tại Đề án chi tiết “Nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”.
Lãng phí, tốn kém không cần thiết
Theo Bộ Công Thương, việc dán tem cho sản phẩm bia nhằm mục đích quản lý thống nhất từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ bia. Từ đó, sẽ ngăn chặn được các hành vi gian lận thương mại như: khai gian sản lượng, buôn lậu, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính. Dán tem bia cũng giúp làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước bằng việc hạn chế gian lận về thuế.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc công ty Luật S&B đề nghị: “Hiện nay đã có quy định gắn nhãn hàng hóa và khi lưu hành trên thị trường, doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ. Việc gắn mã số, mã vạch cũng đã đảm bảo nhãn hàng hóa rồi. Vì vậy, không nên đưa quy định về dán tem. Nếu làm vậy sẽ tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp”. Đó là chưa nói tới khả năng xuất hiện tem giả.
Theo tính toán của ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp này sẽ tốn khoảng 920 tỷ đồng/năm để dán tem bia. “Chi phí này sẽ đổ lên người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng sẽ chật vật hơn trong kinh doanh, chưa kể việc dán tem sẽ phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật, không chuẩn là vứt đi hết, rất lãng phí”- Chủ tịch Sabeco thẳng thắn.
Cho rằng việc dán tem bia rất phức tạp, đại diện Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho hay, về mặt kỹ thuật, yêu cầu dán tem sẽ gây khó khăn cho sản xuất bia. Mỗi hãng bia có nhiều loại dây chuyền sản xuất với công suất khác nhau, nên phải đầu tư máy móc dán tem. Việc kiểm soát quá trình dán cũng không phải dễ dàng.
Trung bình, mỗi tem dán có giá 600-700 đồng/chiếc. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, yêu cầu dán tem sẽ khiến giá thành bia tăng lên. Các hãng trong nước khi đó buộc phải giảm lợi nhuận dẫn đến khoản thuế đóng góp ít đi.
Đại diện Habeco băn khoăn: “Số nước áp dụng dán tem bia trên thế giới chỉ có vài nước như: Albani, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây đều là những nước sản xuất bia kém phát triển. Tôi cho rằng nên nghiên cứu vì sao các nước phát triển lại không áp dụng quy định dán tem mà các nước kém phát triển lại áp dụng?”. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì dán tem cho bia, cơ quan quản lý cần quy định chặt chẽ về chất lượng, xây dựng thương hiệu bia Việt Nam để có thể xuất khẩu.
Phải làm rõ nhiều yếu tố
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) xoa dịu: “Chúng tôi làm việc rất có trách nhiệm và tâm huyết, nên đề nghị các doanh nghiệp bình tĩnh”. Theo đại diện cơ quan soạn thảo, không doanh nghiệp nào muốn tăng chi phí, tuy nhiên, đây là công cụ của quản lý Nhà nước.
“Chúng tôi đã thành lập một tổ liên Bộ, qua thời gian xây dựng và khảo sát, nay đã hoàn thiện đến bước xây dựng hồ sơ mời các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Hồ sơ này cũng có đầy đủ quy định về kỹ thuật, thẩm mỹ, giải pháp… cho việc dán tem”- ông Bùi Trường Thắng cho hay.
Theo ông Huỳnh Văn Nam - Trưởng phòng chính sách thuế (Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính), Bộ Tài chính ủng hộ quy định về việc dán tem bia theo đề án của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp thì Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bổ sung làm rõ về công nghệ, máy móc, kỹ thuật dán tem. Đồng thời, nên tham vấn ý kiến để đánh giá tác động đầy đủ của quy định này.
Theo ông Huỳnh Văn Nam, kinh nghiệm từ việc dán tem rượu cho thấy, vướng mắc phát sinh là chi phí dán tem không biết do doanh nghiệp hay Nhà nước chịu. Và dù ai phải chi thì dán tem cũng mất một khoản ngân sách. Nếu doanh nghiệp chịu thì họ chỉ phải “giảm một chút lãi, không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động hay người tiêu dùng”- đại diện Bộ Tài chính đánh giá.
Nguồn: anninhthudo.vn