Kinh tế xã hội
Hàng không thiệt hại tiền tỷ vì sự cố tại Tân Sơn Nhất
Trung tâm mất quyết kiểm soát do mất điện, khiến cả trăm chuyến bay bị ảnh hưởng và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hãng hàng không.
Được nhiều chuyên gia đánh giá là "chưa từng có trên thế giới", sự cố mất điện tại trung tâm kiểm soát bay đường dài FIR HCM (vùng thông báo bay Hồ Chí Minh) đã ảnh hưởng lớn đến các chuyến bay qua lại khu vực này, về cả khía cạnh an toàn lẫn kinh tế.
Căn cứ số liệu thống kê, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng có 9 chuyến bị ảnh hưởng trực tiếp, bao gồm 5 trường hợp phải chuyển hướng hạ cánh và 4 chuyến phải bay vòng đề chờ. Ngoài ra, có 30 chuyến khác phải khởi hành chậm do sự cố mất điện cản trở khả năng cất, hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng dây chuyền đến 58 chuyến khác trong ngày.
Trong khi đó, Jetstar Pacific có một chuyến bay từ Singapore, đã phải bay lòng vòng trên vùng trời TP HCM trong khi chờ được hạ cánh. Sự cố mất điện gây ảnh hưởng dây chuyền tới 32 chuyến khác trong ngày 20/11.
Đại diện Vietjet Air cho biết họ có 2 chuyến bay phải chuyến hướng. Một từ Hà Nội đi TP HCM phải hạ cánh xuống Buôn Mê Thuột. Chuyến khác từ Hà Nội đi Cần Thơ phải quay lại nơi xuất phát. Ngoài ra, sự cố mất điện còn ảnh hưởng trực tiếp đến 11 và dây chuyền tới 50 hành trình khác.
Đường bay lòng vòng của ba chuyến bay VN237, VN600, VN1415 của Vietnam Airlines trưa 20/11 trong lúc chờ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn: Flight Radar 24 |
Mỗi giờ bay vòng trên bầu trời, một chiếc máy bay tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Ví dụ, theo bảng tính chi phí từng được Cục Hàng không công bố, với một chiếc máy bay Airbus A320, mỗi phút bay tốn khoảng 17 USD chi phí (gồm lương phi công, tiếp viên, phí dịch vụ bay...) và 50-52 USD tiền nhiên liệu (tùy tốc độ, độ cao bay). Tính ra, chiếc máy bay của Jetstar Pacific lòng vòng trên trời 50 phút ngày 20/11 tốn hơn 71 triệu đồng.
Vietnam Airlines dự kiến cũng thiệt hại hàng trăm triệu đồng, với 4 chiếc máy bay gồm một Boeing 777, 2 chiếc A321 và một ATR72 bay lòng vòng 20-30 phút trên bầu trời. Riêng với chiếc Boeing 777, mỗi phút trên trời có thể tiêu tốn 40 USD chi phí bay và 105 USD nhiên liệu. Do đó, nửa tiếng đồng hồ bay chờ tương đương trên 93 triệu đồng.
Ngoài những chuyến bay chờ, hãng hàng không còn thiệt hại với các chuyến phải chuyển hướng, đáp xuống sân bay dự bị. Vietjet Air có một chuyến bay từ Hà Nội đi TP HCM, do không hạ cánh được nên phải quay lại sân bay Nội Bài. Vòng đi vòng lại cả tiếng đồng hồ trên bầu trời mà không đến đích, dự kiến chuyến bay này tiêu tốn thêm 1.028 USD chi phí bay và trên 3.100 USD chi phí nhiên liệu, tương đương trên 88 triệu đồng.
Vietnam Airlines cũng có 5 chuyến phải chuyển hướng, trong đó đáng kể nhất về độ dài, thời gian bay là một chuyến từ Narita (Nhật Bản) đi TP HCM phải quay lại đỗ ở Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) và chuyến Đà Nẵng đi TP HCM phải vòng sang sân bay Phnom Penh đỗ tạm. Chi phí bay và nhiên liệu, thuê sân đỗ cho hai chiếc máy bay này dự kiến cũng tốn cả trăm triệu đồng.
Hàng chục chuyến bay lòng vòng, chuyển hướng vì sự cố
Theo lý giải của đại diện một hãng hàng không trong nước, việc cho máy bay chờ trên không hay chuyển sang sân bay dự bị là quyết định của phi công. Trong trường hợp máy bay còn nhiều nhiên liệu, phi công có thể cho bay chờ, hoặc quyết định chuyển hướng nếu nhận định nhiên liệu không đủ.
Lần này, các hãng cho biết họ chưa tốn chi phí đồ ăn cho hành khách bị chậm chuyến bay vì đây là trường hợp bất khả kháng. Theo quy định, chậm chuyến từ một đến ba tiếng thì hãng phải phục vụ nước uống cho khách, chậm trên 3 tiếng phải phục vụ đồ ăn.
Cùng với hàng không trong nước, hàng loạt chuyến bay của các hãng quốc tế cũng thiệt hại. Vào thời điểm xảy ra sự cố mất điện, trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR HCM) có 54 chuyến bay (đã bao gồm các chuyến trong nước nói trên. Tổng cộng số chuyến đi và đến TP HCM và từ các vùng FIR lân cận đến TP HCM là 92.
Trong buổi họp báo chiều 21/11, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết do đang tập trung xử lý sự cố nên chưa thể thống kê thiệt hại chi tiết về kinh tế. Ngoài ra, vị này cũng cho rằng việc thống kê nêu trên là không dễ dàng.
Trưa 20/11, một sự cố về điện đã xảy ra tại Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài - tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC Hồ Chí Minh). Theo đó, từ 11h5 đến 11h40, hệ thống cung cấp thiết bị điều hành bay bị mất điện, dẫn đến việc mất khả năng điều hành bay trong 35 phút. Khi xảy ra sự cố, bộ lưu điện có 3 hệ thống UPS đều bị hỏng, không thể phục hồi sự cố ngay lập tức. Theo đánh giá của Cục Hàng không, đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng chưa từng có ở Việt Nam.
Nguồn: vnexpress.net