Kinh tế xã hội

Những con số đã nói những gì?

10:13, 21/11/2014 (GMT+7)
Không đầy hai ngày sau khi thông tin "Choáng với hoá đơn tính tiền hơn 181 triệu đồng ở bar Hà Nội" được tung ra, cộng đồng lại xôn xao với một hóa đơn còn khủng khiếp hơn với trị giá 218 triệu đồng cũng ở một quán bar khác tại Hà Nội.
 
Nếu hóa đơn đầu tiên chủ yếu nặng đô với 6 chai Chivas 38 tuổi (điều khiến nhiều người nghĩ có thể số lượng người tiêu thụ trên hóa đơn này khá đông, như một tiệc sinh nhật chẳng hạn) thì hóa đơn thứ hai đầy ''thâm trầm'' với chỉ 3 chai X.O hảo hạng, mỗi chai trị giá 65 triệu đồng. 3 chai rượu đó có thể chỉ để phục vụ 4 hoặc 5 khách hàng mà thôi và việc 5 người tiêu tốn hơn 40 triệu mỗi người cho một đêm vui không hẳn khiến mọi người phải suy nghĩ rất nhiều.
Ảnh chụp lại hoá đơn 181 triệu
Ảnh chụp lại hoá đơn 181 triệu
Đã có những người chỉ trích thậm tệ rằng ''những kẻ trọc phú hợm mình khoe thói ăn chơi trác táng'' khi xem các hoá đơn ấy nhưng có lẽ, chúng ta nên nghĩ thoáng hơn rằng ''khoe cũng là cái quyền của cá nhân mỗi người''. Các cụ từng dạy ''tốt đẹp thì trưng ra mà xấu xa thì đậy lại'' nên chuyện khoe cái ''hay'', cái ''tốt'' của mình là chuyện bình thường. Chỉ có điều, những người chi trả hai hoá đơn ấy đã coi việc tiêu xài một đêm cả trăm triệu đồng là ''cái hay, cái tốt'' của họ chứ không nghĩ đến sự phản cảm của nó trước xã hội khó khăn như nhiều người khác vốn cân nhắc. Nhưng chúng ta có quyền gì mà cấm họ khoe đây, khi bản thân họ chẳng còn gì khác để khoe ngoài chuyện khoe khả năng tiêu tiền như nước?
 
Đã có cả những người chỉ trích rằng đó là biểu hiện của thói hoang phí ở thời đại vật chất hôm nay. Và tất nhiên, những người chỉ trích sẽ so sánh chúng với những mảnh đời gian khó đang đầy rẫy ngoài xã hội. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng ''có tiền thì có quyền tiêu xài và tiêu xài xa xỉ là một bộ phận không thể tách rời của xã hội tiêu thụ''. Chính những tiêu xài xa xỉ ấy cũng có một phần khiến đồng tiền phải luân chuyển trong nền kinh tế và rất có thể những người ủng hộ thói tiêu xài xa xỉ kia sẽ mượn đó làm thứ để biện minh.
 
Hơn nữa, nếu một người có thể kiếm cả tỷ bạc một tháng thì việc mỗi tháng họ dành một đêm ăn xài xả láng cũng là chuyện bình thường mà thôi. Song vấn đề không nằm ở chỗ quyền được tiêu xài và cũng cần phải gạt hẳn những biện minh kiểu ''đồng tiền luân chuyển'' kia sang một bên. Vấn đề nằm ở 2 trọng tâm chính là: 1) Những người thanh toán các hoá đơn kia có kiếm được tiền chính đáng hay không (?) và 2) lấy gì làm sự đảm bảo cho sự kiếm được nhiều tiền của họ là chính đáng.
 
Trước hai vấn đề ấy, ai cũng hiểu rằng xã hội Việt Nam đang thiếu trầm trọng sự minh bạch trong các hoạt động tài chính. Khi mà người ta vẫn có thể thanh toán cả trăm triệu đồng chỉ bằng tiền mặt thì rõ ràng kiểm soát thu nhập dân cư có chính đáng hay không là một điều hoàn toàn bất khả. Cái lạc hậu của xã hội Việt nó hiển thị rõ nhất ở đây. Bây giờ là thế kỷ 21 rồi mà việc lưu hành tiền giấy số lượng lớn trong thanh toán dân cư vẫn còn là phương thức chủ đạo ở Việt Nam trong khi ở nhiều nước khác, thanh toán bằng tiền mặt cho một khoản chi lớn có thể bị từ chối.
 
Nhưng vượt trên hết của câu chuyện từ hai hoá đơn biết nói kể trên (cùng vô vàn hóa đơn chưa phát lộ) là một bộ mặt thật của xã hội Việt Nam hiện nay cũng được bóc trần. Chuyện uống rượu đắt tiền ở các quán bar, hộp đêm, vũ trường vốn dĩ là ''đặc quyền'' của giới thượng lưu, có tài sản giàu có ở trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, những người tiêu số tiền khủng cho các thú chơi xa xỉ lại thực sự không chứng minh được họ là thượng lưu. Thượng lưu thì thường không khoe mình ăn chơi ra sao mà sẽ khoe mình đã cống hiến được gì cho xã hội, đặc biệt là trong các hoạt động liên quan đến nghệ thuật, nghiên cứu hay thiện nguyện.
 
Và kéo theo đó, Việt Nam có tầng lớp trung lưu thực sự hay không? Chúng ta không có tầng lớp trung lưu đúng nghĩa ở cả chuyện tiêu thụ lẫn nhu cầu hưởng thụ. Nếu trung lưu đúng nghĩa có tồn tại, chỉ riêng tiêu thụ của họ thôi đã đủ khiến nền kinh tế trở nên sinh động thay vì chỉ bùng lên một giai đoạn ngắn nhờ vào bất động sản và sau đó cũng chìm vào im lặng đến buồn nản bởi bất động sản.
 
Và cuối cùng, những con số ấy nói lên điều gì? Không có thượng lưu và trung lưu thực sự, chúng ta chỉ còn lại những chi???

Nguồn: Cstc.cand.com.vn

Các tin khác