Kinh tế xã hội
Dư luận phản đối chủ đầu tư Trung Quốc ở dự án đèo Hải Vân
Việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép dự án cho nhà đầu tư nước ngoài khiến người dân TP Đà Nẵng và cả người dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bất bình.
Những ngày gần đây, dư luận lên tiếng phản đối về việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Wold Shine” cho Công ty Cổ phần Thế Diệu, có vốn đầu tư nước ngoài. Chiều 20/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp báo thông tin về dự án này. Phía thành phố Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã lên tiếng không ủng hộ, đồng thời kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ thu hồi việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án này.
Phối cảnh dự án |
Ngày 24/10/2013, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Wold Shine –Huế nằm trong khu vực Cửa Khẻm, nơi được coi là mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Chủ dự án là Công ty Cổ phần Thế Diệu.
Tại buổi họp báo chiều 20/11, ông Nguyễn Quê, Phó trưởng Ban phụ trách Khu Kinh tế Chân Mây –Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một lần nữa khẳng định, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã thẩm định các thủ tục trước khi cấp phép cho dự án này. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty này với thời hạn 50 năm.
“Phải khẳng định rằng dự án này nằm hoàn toàn trong khu vực quy hoạch của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt về quy hoạch chung theo quyết định 1771. Về tranh chấp theo quan niệm của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và chúng tôi thì là không tranh chấp. Theo cứ liệu lịch sử và hiện trạng, khu vực này do Ban quản lý rừng Bắc Hải Vân, trực thuộc Sở Nông nghiệp quản lý”, ông Nguyễn Quê nói.
Trong khi đó, UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng đây là khu vực chưa được thống nhất về địa giới hành chính. Tại công văn số 6278 năm 1997, Văn phòng Chính phủ đã thông báo rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “trong khi chờ xem xét và giải quyết địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, tại khu vực đèo Hải Vân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương không thực hiện những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại khu vực này”.
Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, trong khi phía Đà Nẵng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng thì phía Thừa Thiên Huế lại không thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: “Trong quá trình theo dõi kiểm tra vấn đề này, Thừa Thiên Huế cấp chồng lấn các dự án trồng rừng, thậm chí cái nền của biên phòng của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, Thừa Thiên Huế cũng đưa biên phòng ra ở đó. Như vậy, Thừa Thiên Huế không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cần thấy vấn đề, đây là khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng nên báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng |
Sáng 20/11, trao đổi với phóng viên VOV, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư Lệnh Quân khu 5 khẳng định, đây là khu vực đất địa hình loại 2, quản lý trong thời bình. Đất loại này được giao cho địa phương quản lý đất đai và giao cho dân sản xuất bình thường, có thể liên kết với doanh nghiệp và tổ chức cá nhân trong nước để thực hiện phát triển kinh tế xã hội nhưng không được liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài kể cả Việt kiều. Trong khi đó, vốn đầu tư của Công ty cổ phần Thế Diệu là của người Trung Quốc.
Cựu chiến binh Hồ Công Ngọc, ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng phản đối cách làm của tỉnh Thừa Thiên Huế: “Nếu nói về chiến lược quân sự đấy coi như yết hầu nhìn thẳng ra Biển Đông. Thừa Thiên Huế cho người Trung Quốc thuê làm du lịch 50 năm tôi dứt khoát không đồng tình. Chúng tôi đề nghị với cấp trên không nên cho Trung Quốc thuê 50 năm, chẳng những Trung Quốc mà bất cứ nước nào cũng thế, không thể cho thuê để làm dự án khu du lịch được”.
Việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép dự án cho nhà đầu tư nước ngoài khiến người dân TP Đà Nẵng và ngay cả người dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bất bình. Ông Phạm Văn Liêm, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ: "Vấn đề an ninh, quốc phòng quan trọng hơn vấn đề kinh tế, nếu như chúng ta mất nước thì kinh tế cũng bỏ thôi. Bởi vậy theo tôi nên ngưng dự án này".
Thừa Thiên Huế xây dựng hẳn đường công vụ vào khu vực dự án. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, người có nhiều năm quản lý văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, toàn bộ khu vực đèo Hải Vân là điểm trọng yếu quốc phòng. Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế hay TP Đà Nẵng đều không nên phát triển du lịch ở khu vực này.
“Tôi cũng đồng tình không nên cấp phép xây dựng công trình lưu trú trên đèo Hải Vân. Ở đây nếu như du lịch thì nên là hình thức du lịch tham quan, đến một vòng rồi quay trở lại. Khi đặt vấn đề không nên cấp phép xây dựng khu du lịch ở khu vực đèo Hải Vân”, ông Nguyễn Xuân Hoa nói.
Di tích lịch sử văn hóa đèo Hải Vân |
Hiện, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty Thế Diệu. Đồng thời kiến nghị Trung ương chỉ đạo cụ thể để chấm dứt tình trạng này, không nên kéo dài, ảnh hưởng tới lợi ích chung của đất nước./.
Nguồn: vov.vn