Bài 2: Nâng cao công tác quản lý và xử lý vi phạm
(Congannghean.vn)-Tổn thất điện năng là một chỉ tiêu kinh tế - kĩ thuật quan trọng trong công tác quản lý kinh doanh của ngành điện lực. Vì vậy, việc phấn đấu giảm chỉ tiêu tổn thất điện năng là giải pháp quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành điện.
Để giải quyết “bài toán” tổn thất điện năng cho ngành điện, thì việc rà soát lưới điện để đưa ra phương thức vận hành kinh tế các đường dây và trạm biến áp, thực hiện nghiêm quy trình nghiệp vụ trong kinh doanh bán điện, tăng cường kiểm tra sử dụng điện, đẩy nhanh công tác đầu tư chống quá tải... cần được quan tâm trong thời gian tới.
Theo số liệu báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An (PCNA) cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2014, Điện lực Nghệ An đã phát hiện và xử lý 6.326 vụ vi phạm sử dụng điện, trong đó trộm cắp điện 669 vụ, truy thu điện năng 1.432.700 kWh, truy thu tiền điện trên 3,8 tỉ đồng, còn lại là vi phạm giá bán điện, công suất và non tải.
Chú trọng công tác kiểm tra sử dụng điện nhằm hạn chế tổn thất điện năng |
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Thực hiện chủ trương của EVN cũng như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Điện lực Nghệ An đang tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, do đó lượng khách hàng tăng nhanh. Trong khi đó, lực lượng của ngành còn mỏng, địa bàn rộng dẫn đến việc quản lý, kiểm soát ở các địa phương, kể cả các hợp tác xã dịch vụ điện năng còn khó. Vì vậy, người dân đã lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp điện, tập trung ở các địa phương như Diễn Châu, Đô Lương, Quỳ Hợp, TP Vinh, Thanh Chương, Yên Thành...
Do đó, cùng với nhiệm vụ chuyên môn của ngành, trong thời gian lưới điện hạ áp nông thôn đang được chính quyền các địa phương quản lý, sau khi hệ thống này được ngành điện tiếp nhận, kết hợp với công tác kiểm tra, Công ty Điện lực Nghệ An cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến tận khách hàng sử dụng điện về các quy định của pháp luật bằng các biện pháp như ký bản cam kết với từng khách hàng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện. Mặt khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt ngành điện phối hợp với Tỉnh đoàn trong việc phối hợp với các huyện, thành, thị và các phường, xã, lực lượng đoàn viên thanh niên giải toả nơi các tuyến điện đi qua đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, tránh tổn thất điện năng.
Việc phát hiện hành vi trộm cắp điện đã là một khó khăn thì ngay trong khâu quản lý, xử lý vi phạm trộm cắp điện cũng đang gặp nhiều bất cập. Theo quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm sử dụng điện của các gia đình thì chính quyền địa phương phải tiến hành xử phạt hành chính và thông báo trên loa phát thanh. Tuy nhiên, một số địa phương thường áp dụng mức xử phạt thấp, không thông báo trên loa phát thanh nên hiệu quả không cao, không tạo được tính răn đe.
Có thể thấy, tình trạng trộm cắp điện ở Nghệ An đã diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm qua và có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân một phần do nhận thức của người dân; một phần do sự quản lý lỏng lẻo của địa phương trước khi bàn giao cho ngành điện lực. Khó khăn nhất hiện nay của Điện lực Nghệ An trong công tác kiểm tra hành vi trộm cắp điện chính là sự chống đối của khách hàng, không hợp tác trong quá trình kiểm tra, thậm chí đe dọa, hành hung lực lượng kiểm tra.
Bên cạnh đó, dù đã có văn bản ký kết nhưng sự thiếu trách nhiệm phối hợp của một số địa phương, cơ quan chức năng khiến việc kiểm tra vi phạm sử dụng điện gặp nhiều khó khăn, một số địa phương còn chưa phối hợp chặt chẽ; việc xử phạt hành chính của các địa phương còn chưa nghiêm, chưa mang tính giáo dục, răn đe. Luật Điện lực quy định rõ hành vi trộm cắp điện là việc lấy điện trái phép không thông qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác...
Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định, trộm cắp điện với số lượng đến dưới 20.000 kWh sẽ bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng; trộm từ 20.000 kWh trở lên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Thế nhưng, vấn nạn trộm cắp điện đang có xu hướng gia tăng, nhất là tại địa bàn nông thôn, với hàng trăm vụ được phát hiện. Tình trạng này không chỉ làm mất an toàn lưới điện, thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại địa phương.
Tại Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp đảm bảo an toàn hệ thống điện trên địa bàn tỉnh giữa Điện lực Nghệ An và Công an tỉnh, tổ chức tháng 7/2014 vừa qua đã đánh giá: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ngành điện còn diễn ra. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở, thiếu sót của ngành điện lực để trộm các thiết bị điện, câu trộm điện... Ngoài ra, một số người dân còn có hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, đe dọa đối với cán bộ, công nhân viên ngành điện lực trong khi thi hành công vụ.
Vì vậy, công tác phối hợp trao đổi, xử lý thông tin; phối hợp quản lý Nhà nước về ANTT; phối hợp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cũng như công tác phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan cần được 2 ngành chú trọng quan tâm thực hiện.
Theo đó, hàng năm, hai ngành sẽ tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát các hệ thống truyền tải điện, các trạm hạ thế nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản ngành điện, vi phạm hành lang lưới điện, câu trộm điện, phòng ngừa, khắc phục những sự cố gây mất an toàn hành lang lưới điện, đồng thời răn đe các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan ngành điện.
.