Kinh tế xã hội

Giá dầu giảm: Chưa vội mừng

15:04, 15/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua sẽ mang lại sức bật cho nền kinh tế thế giới vốn đang trì trệ, song sẽ gây ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.
 
Báo cáo ngày 12/11 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong Hội nghị các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhận định nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với những cơn gió ngược chiều khắc nghiệt đến từ nhiều khu vực, đặc biệt là sự tăng trưởng yếu kém của kinh tế châu Âu. 
 
Tuy nhiên, việc giá dầu mỏ giảm gần 20% tính từ tháng 9 vừa qua và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, cho dù tình trạng này sẽ khiến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô khốn đốn, đặc biệt là Nga. 
 
Nguyên nhân giá dầu mỏ liên tục giảm sâu chủ yếu do những căng thẳng địa chính trị, thị trường chứng khoán chưa phục hồi, lạm phát thấp ở một số nền kinh tế phát triển, tăng trưởng toàn cầu yếu và quyết định chấm dứt gói kích thích kinh tế của Mỹ. 
 
Người đứng đầu IMF, Christine Lagarde cảnh báo nếu tình trạng giá dầu giảm tiếp tục kéo dài, các quốc gia vùng Vịnh phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sẽ đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách.
 
Việc giá dầu giảm 25 USD/thùng sẽ khiến nguồn thu của hầu hết các nước vùng Vịnh giảm nhiều, đồng thời đầy nhiều quốc gia vào tình trạng thâm hụt ngân sách. Năm 2013, GDP của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - đạt 1.640 tỷ USD. Dự kiến, trong năm nay, GDP của 6 quốc gia này sẽ giảm khoảng 130 tỷ USD.
 
Kể từ tháng 6/2014 đến nay, giá dầu đã giảm khoảng 25%, do tình trạng dư thừa nguồn cung, nhu cầu yếu và triển vọng “ảm đạm” của kinh tế toàn cầu.
 
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Kuwait, Anas al-Saleh, đã thúc giục các nước vùng Vịnh tiến hành những biện pháp đối phó với tình trạng chi tiêu công gia tăng, cũng như nỗ lực thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân.
 
Theo ông Saleh, thực hiện cải cách toàn diện, đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ là những bước đi cần thiết đối với các nước vùng Vịnh trong bối cảnh hiện nay.
 
Được hưởng lợi từ mức giá dầu cao trong hơn một thập niên, các nước GCC đã gây dựng một nguồn dự trữ trị giá ước tính 2.450 tỷ USD.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác