Kinh tế xã hội
Báo nước ngoài 'soi' môi trường kinh doanh của Việt Nam
08:46, 14/11/2014 (GMT+7)
Qua lăng kính của nhiều tờ báo nước ngoài, “bức tranh” môi trường kinh doanh của Việt Nam được nhìn nhận sáng hơn, dù rằng vẫn còn tồn tại những nét tối cần giải quyết.
Với tiêu đề “Kinh tế Việt Nam trên con đường tăng trưởng ổn định và bền vững – Thành quả của chính sách kinh tế linh hoạt của Chính phủ Việt Nam”, bài báo của Hãng Thông tấn Đức ca ngợi việc Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Nhờ chính sách kinh tế linh hoạt cũng như ổn định chính trị, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về mức độ hấp dẫn đầu tư trong khối ASEAN. Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và vốn ODA vẫn tiếp tục tăng đều.
Bài viết với tiêu đề "Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế cho năm 2015" trên Sudestasiatico (Đông Nam Á), mạng tin độc lập của Italia đã nhận định tuy gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt. Bài viết trích dẫn số liệu về mức độ tăng trưởng của Việt Nam, thặng dư thương mại, thu nhập bình quân đầu người... 13 trong số 15 mục tiêu Chính phủ đề ra hồi đầu năm đã hoàn thành và cho rằng đó là những dấu hiệu rất tích cực.
Bên cạnh dẫn chứng về những chỉ số vĩ mô khả quan, báo chí nước ngoài đều nhận định thị trường chứng khoán của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới thời gian qua. Giao dịch bất động sản cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái...
Tạp chí Thế giới đa cực (Nga) đăng bài viết “Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào?” của chuyên gia Pavel Vinogradov cho rằng, trong số các “con hổ châu Á” cả cũ lẫn mới, Việt Nam đang thu hút được sự chú ý như một điển hình tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi giữ được tăng trưởng ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2014, mức độ tăng trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... không giữ được mức tăng trưởng cao như cách đây 5-6 năm.
"Lạm phát trong 5 năm liên tiếp được khống chế dưới 4%, mức thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương", chuyên gia này nhận định.
Bài báo đăng trên tạp chí Tổng quan phương Đông mới của Viện Hàn lâm khoa học Nga có cùng quan điểm: Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định. Thị trường chứng khoán của Việt Nam tiếp tục đứng trong danh sách 5 thị trường phát triển mạnh nhất thế giới. Tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay được đánh giá là rất thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Cuối tuần trước, Việt Nam vừa phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với mức lãi suất thấp hơn dự kiến. Hơn 400 nhà đầu tư đã đăng ký mua với tổng trị giá gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán. Theo Finance Asia, đợt bán trái phiếu của Việt Nam được đánh giá là một trong những đợt đấu giá thành công nhất thị trường nợ châu Á.
Rajeev De Mello tại hãng quản lý tài sản Schroder (Singapore) cũng nhận định: "Kinh tế vĩ mô thì đang ổn định. Tất cả đều là yếu tố có lợi cho đợt phát hành của Việt Nam".
Trong bài “Việt Nam có tiềm năng lớn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài” trên báo The Diplomatic Society (ấn phẩm điện tử uy tín trong cộng đồng ngoại giao tại Nam Phi), tác giả cho biết, với nhiều lợi thế so sánh và một môi trường đầu tư thông thoáng, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài.
Bài báo lý giải nguyên nhân đã làm nên câu chuyện thành công của Việt Nam đó là Việt Nam đã duy trì được ổn định chính trị - xã hội và được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới.
Bên cạnh đó, bài báo nhận định, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết tạo dựng một môi trường kinh doanh công bằng và hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời liên tục hoàn thiện khung pháp lý và các thể chế về kinh doanh và đầu tư.
Báo chí quốc tế đánh giá cao những nỗ lực rất cụ thể gần đây của Việt Nam trong việc tìm những thị trường mới. "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hướng đi mới về phương Tây để tìm thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư trực tiếp, công nghệ cho sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, quốc gia này còn tạo quan hệ kinh tế với Ấn Độ, nền kinh tế lớn ở khu vực châu Á", một bài viết đăng tải trên tờ Le Monde của Pháp cuối tháng 10 nhận định.
Các đánh giá, xếp hạng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng được phản ánh như là một dẫn chứng cho sự cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB), trong Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10/2014, đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/185. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá là với triển vọng ổn định).
Hãng PwC (Canada) thực hiện khảo sát quan điểm của hơn 600 lãnh đạo doanh nghiệp (CEO) với kết quả 67% CEO có kế hoạch tăng đầu tư vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 12 tháng tới và Việt Nam xếp thứ 7 trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu APEC được tăng cường đầu tư và thứ 6 trong 10 điểm đến hàng đầu của các nguồn vốn tư nhân. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp da giày nước ngoài như Nike, Adidas, Puma,... tiết lộ chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam và Tập đoàn Samsung “ngỏ ý” dành 3 tỷ USD để xây nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, “bức tranh” môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam đâu chỉ có một màu hồng. Giống như các nền kinh tế đang phát triển khác trong khu vực châu Á, các bài báo chỉ ra Việt Nam đang phải đối mặt những hạn chế, thách thức như các vấn đề về tình trạng nguy hiểm do nền kinh tế quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản ở mức cao, nợ xấu cao, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm... Hay ở một số lĩnh vực, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và một số cán bộ thực hiện thủ tục gây khó cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao là Chính phủ Việt Nam đã nhìn thẳng vào các mặt hạn chế, vướng mắc trong môi trường kinh doanh, đầu tư để quyết liệt dỡ bỏ.
Nguồn: Chinhphu.vn