Ngày 25/11/2014, Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về một số quy định tại Thông tư.
Xuất phát từ thực tiễn hiện nay nhiều doanh nghiệp mang tên các danh nhân nhưng lại làm việc phi pháp, hay phá sản…..gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng, hình ảnh của danh nhân. Vì vậy không chỉ bây giờ mà cách đây 8 năm tại khoản 3, Điều 11, Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh đã có quy định cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp. Tiếp đó, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ra ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp ra đời thay thế cho Nghị định 88/2006/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/6/2010 cũng vẫn giữ nguyên quy định cấm đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy suốt 8 năm qua quy định này chưa bao giờ được thực hiện. Hay nói cách khác là quy định trên hoàn toàn vô hiệu lực từ khi ra đời.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp đặt tên cho phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ngày 1/10/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL. Tuy nhiên ngay từ khi ban hành, Thông tư đã gặp phải nhiều dư luận trái chiều. Đa số các doanh nghiệp đều băn khoăn về quy định cấm đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân, hay tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược. Như vậy vô hình trung những thương hiệu nổi tiếng gắn với tên gọi Sài Gòn xưa sẽ không còn và những doanh nghiệp muốn noi gương, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh khi chọn đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân cũng sẽ không được phép.
Theo Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL, bắt đầu từ ngày 25/11/2014 tên gọi những doanh nghiệp trùng với tên danh nhân như thế này sẽ không được phép lưu hành |
Điều đáng nói là Thông tư có hiệu lực bắt đầu từ ngày 25/11/2014 nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa có danh mục tên các danh nhân cấm các doanh nghiệp đặt tên trùng. Thậm chí theo các chuyên gia hiện nay khái niệm danh nhân vẫn còn mù mờ, chưa xác định được. Như vậy Thông tư sẽ căn cứ vào đâu để thực hiện? Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL, việc xác định danh nhân còn mắc mớ ở nhiều vấn đề nên trước đây Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm dự thảo Nghị định quy định về tên danh nhân nhưng khi làm thì vướng, chưa thể làm được. Đến giờ phút này, ai là danh nhân cũng chưa được xác định nên Thông tư này không thể áp dụng. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân khiến cho khoản 3, Điều 11, Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ bị vô hiệu lực trong suốt 8 năm qua?
Thông tư ra đời nhưng lại không thực hiện được, phần nào đã bộc lộ sự bất cập trong việc làm luật và thi hành luật của nước nhà. Không chỉ có Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL, trước đây cũng đã từng có nhiều quy định phải dừng thực hiện ngay sau khi ban hành, hoặc bất khả thi ngay ở dạng chỉ là... dự thảo như: quy định phạt 5 triệu nếu dùng điện thoại ở cây xăng; phạt xe không chính chủ; chỉ được bán thịt gia súc 8 giờ sau khi mổ; đám cưới công chức không được mời quá 300 người, không được tổ chức ở khách sạn 5 sao…
Phải chăng chính việc bất cập trong hành lang pháp lý đã cản trở sự phát triển đối với nhiều doanh nghiệp và sự mập mờ trong việc xác định danh nhân đã gây phiền hà cho nhiều doanh nghiệp khi đi đăng ký tên kinh doanh? Trong điều kiện doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, việc Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL ra đời mà chưa được chuẩn bị kỹ phải chăng lại tạo thêm “rào cản” mới cho doanh nghiệp?
Đặt tên cho doanh nghiệp là việc làm hết sức quan trọng bởi nó gắn với thương hiệu, sự phát triển của từng doanh nghiệp. Bởi vậy khi chọn đặt tên các danh nhân cho doanh nghiệp chắc hẳn ai cũng muốn được noi gương các danh nhân chứ không phải để bị “ném đá”, “tẩy chay”… rồi dẫn đến phá sản. Vì vậy quy định đặt tên doanh nghiệp phù hợp không được nhạo báng, bôi xấu danh nhân là điều cần thiết thế nhưng trước khi chưa xác định được thế nào là danh nhân chúng ta có nên ban hành Thông tư mang tính chất cấm đoán như một số quy định trong Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL hay chỉ nên hướng dẫn, phân tích…để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp khi đăng ký tên kinh doanh, làm sao để tên gọi mỗi doanh nghiệp thể hiện đúng văn hóa, tâm và tầm nhìn của doanh nhân.
.