Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với 85,51% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành. Đồng nghĩa, tới đây con dấu của doanh nghiệp sẽ chính thức được dỡ bỏ.
Một trong những nội dung được quan tâm nhất trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là bỏ con dấu doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định tại Điều 44, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 26/11 |
Đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của điều lệ công ty. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 26/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, về con dấu doanh nghiệp có ý kiến ĐB đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo.
Tuy nhiên, sau khi thẩm tra Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu. Đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.
Trước ý kiến ĐBQH đề nghị quy định rõ người có thẩm quyền quản lý con dấu trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật. Nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quản lý, sử dụng con dấu là quyền của doanh nghiệp, được quy định trong điều lệ công ty. Để làm rõ hơn nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý khoản 3 Điều 44 của dự án Luật như sau: “Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty”.
Như vậy, sau nhiều tranh cãi, cuối cùng con dấu doanh nghiệp tới đây sẽ được chính thức dỡ bỏ. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây sẽ là sự cởi trói lớn dành cho doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 213 điều và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.