Kinh tế xã hội
Cảnh báo gia tăng tình trạng ngộ độc do rượu
Cẩn trọng trước những ẩn họa từ rượu 'quốc lủi'
09:29, 28/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hiện đang là thời điểm nở rộ mùa cưới cuối năm, cũng là dịp người dân tiêu thụ nhiều rượu, nhất là các loại rượu quê. Do được sản xuất thủ công, giá cả bình dân nên rượu quê được nhiều người mua và sử dụng. Tuy nhiên, trước hàng loạt vụ ngộ độc rượu xảy ra thời gian qua, việc tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của rượu, đồng thời, hạn chế uống rượu là biện pháp để mỗi người tự bảo vệ sức khỏe của mình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Rượu quê hay còn gọi một cách nôm na, dân dã lá “quốc lủi” hay rượu “nút lá chuối”, là thứ rượu quen thuộc đối với nhiều người, nhất là ở các vùng nông thôn. Người ta tìm đến với rượu quê bởi nhiều lý do khác nhau: Giá cả bình dân, dễ uống, dễ nấu, dễ mua… Rượu quê không chỉ xuất hiện trong các cuộc liên hoan, ma chay, cưới hỏi mà còn được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của nhiều người. Mặc dù được sử dụng khá rộng rãi, phổ biến, nhưng chất lượng của các loại rượu sản xuất thủ công ở các vùng quê khác nhau hiện rất khó kiểm soát.
Rượu “quốc lủi” không rõ nguồn gốc sẽ là hiểm họa dẫn đến những ca ngộ độc khó lường - Ảnh minh họa |
Theo kết quả kiểm nghiệm do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) công bố, có tới 90% rượu tự nấu có chứa các chất độc hại. Đáng nói là, vì mục đích lợi nhuận, một số chủ “lò” sản xuất rượu quê đã sử dụng các loại men “cực nhanh” để rút ngắn thời gian ngâm ủ. Thậm chí, có người còn pha cồn công nghiệp, methanol vào rượu nhằm tăng nồng độ. Nấu rượu không đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm, sử dụng các loại men kém chất lượng, hòa trộn các chất độc hại vào rượu là những hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp tới “thương hiệu” của các loại rượu quê. Đây cũng là lý do chính dẫn tới tình trạng thời gian qua, số người bị ngộ độc rượu phải nhập viện có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê gần đây cho thấy, ngộ độc rượu ở nước ta chiếm khoảng 3,5%. Đáng quan tâm là, số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26% tổng số người tử vong vì ngộ độc thực phẩm nói chung. Theo các bác sĩ chuyên ngành, những người ngộ độc rượu nếu nhẹ thì bị mất kiểm soát, dẫn tới rối loạn hành vi với các biểu hiện như: Nói nhiều, hung dữ, dễ nổi khùng hay bỗng dưng ủy mị, khóc lóc. Nếu uống nhiều, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ức chế toàn bộ hệ thần kinh trung ương, dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch.
Kéo theo đó là các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: Hạ đường huyết, rối loạn nước điện giải, bị nặng có thể dẫn đến tử vong. Trên thực tế, có những vụ ngộ độc rượu dù được cứu sống nhưng vẫn để lại những di chứng nặng như: Suy gan, tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn hay những di chứng về vận động gây liệt. Sử dụng các loại rượu kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bản thân mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với gia đình và xã hội.
Mặc dù tiềm ẩn không ít nguy cơ nhưng trên thực tế, các loại rượu quê không gắn nhãn mác vẫn được mua, bán tự do trên thị trường. Trong đó, có không ít loại rượu kém chất lượng, có thể gây ra những ẩn họa khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng. Ở nhiều miền quê, tập quán nấu rượu thủ công theo lối tự cung, tự cấp hoặc để buôn bán nhỏ lẻ vẫn tồn tại bấy lâu nay. Việc kiểm tra, xử lý những hộ dân nấu rượu “chui”, không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là điều dễ dàng.
Nên chăng, trước mắt, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần chú trọng khâu tuyên truyền, phổ biến những quy định từ Nghị định 94/CP đến tận các hộ dân nấu rượu thủ công. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra quy trình sản xuất, việc tuân thủ các yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những “lò” rượu thủ công nấu rượu bán với số lượng lớn. Hiện đang là thời điểm nở rộ mùa cưới cuối năm, cũng là dịp người dân tiêu thụ nhiều rượu, nhất là các loại rượu quê. Tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của rượu, đồng thời, hạn chế uống rượu là biện pháp để mỗi người tự bảo vệ sức khỏe của mình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bùi Minh Tuấn