Kinh tế xã hội
Tước bỏ 'siêu quyền lực' của con dấu
09:23, 10/10/2014 (GMT+7)
Con dấu từ vị trí là tài sản, là công cụ đã trở thành một thứ “siêu quyền lực” vượt lên trên doanh nghiệp, gây ra không ít phiền toái, thậm chí trở thành xiềng xích cho doanh nghiệp.
Các ý kiến tại hội thảo về những cải tổ cần thiết liên quan đến con dấu của doanh nghiệp, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC – thuộc Ngân hàng Thế giới) tổ chức ngày 9/10, đều nhắc đến vấn đề trên như một nghịch lý.
Luật gia Vũ Xuân Tiền từ Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam đưa ra một ví dụ điển hình: Một biên bản họp Hội đồng thành viên của công ty TNHH, dù có đủ chữ ký của tất cả các thành viên góp vốn cũng không có giá trị pháp lý như lẽ ra phải có, nếu như không có con dấu đóng vào. Luật gia này so sánh mối quan hệ giữa doanh nghiệp và con dấu với tranh cãi “vì trời sáng nên gà gáy” hay “vì gà gáy mà trời sáng”. Thậm chí trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã bị tê liệt hoạt động khi một ai đó chiếm giữ con dấu.
Theo các chuyên gia, con dấu từ một công cụ hỗ trợ con người lại trở thành một quyền lực áp đặt con người. |
LS Nguyễn Hưng Quang thì cho rằng, duy trì con dấu mang tính bắt buộc trong các giao dịch của pháp nhân cũng là không tôn trọng con người tham gia vào các giao dịch đó, bởi con dấu từ một công cụ hỗ trợ con người lại trở thành một quyền lực áp đặt con người. Còn luật gia Cao Bá Khoát ví von, “con dấu trở thành vũ khí như ngọc tỉ của nhà vua ngày xưa, nắm chính quyền mà chưa có con dấu là chưa có chính quyền”.
Cả 3 vị chuyên gia trên và LS Trương Thanh Đức (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cùng nhắc đến một trường hợp rất “nổi tiếng” khác cho thấy quyền lực của con dấu. Đó là vụ Huỳnh Thị Huyền Như làm giả 8 con dấu của các doanh nghiệp khác nhau để đóng vào các tài liệu, giấy tờ do Như làm giả và dễ dàng chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.
Chính ví dụ này đã minh chứng cho nhận định của ông Jean Michel Lobet, chuyên gia tài chính cao cấp của WB, một trong những người tham gia xây dưng báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu: Con dấu của công ty không đem lại một sự bảo đảm thêm nào như mục đích ban đầu của nó, bởi nó có thể bị làm giả một cách dễ dàng.
Cũng theo chuyên gia này, khi công nghệ bước vào thời đại kỹ thuật số, con dấu công ty đã trở nên lỗi thời và ở mức độ nhất định, trở thành một trở ngại. Việc sử dụng con dấu nên mang tính tùy chọn, với các giải pháp thay thế theo thông lệ mới và hiện đại hơn, như công nhận chữ ký của một cá nhân có thẩm quyền chứng thực hoặc chữ ký điện tử, chữ ký số hoặc mật mã.
Cải cách lớn về tư duy
Mở đầu cuộc hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung đã đặt vấn đề con dấu của doanh nghiệp trong một bối cảnh rộng hơn.
Bối cảnh đó là Chính phủ đang ráo riết triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp với việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và đẩy mạnh các giải pháp thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 18/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.
Đây là một phần trong ý kiến kết luận của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, sau buổi làm việc trước đó với nhiều bộ ngành về vấn đề này. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục khắc dấu chiếm tới 6 ngày trên tổng số 34 ngày làm thủ tục khởi sự kinh doanh hiện nay.
“Định hướng cải cách của Thủ tướng đã rất rõ ràng và đó là một cải cách thực sự lớn. Tôi đánh giá cao thay đổi về tư duy thể hiện qua cải cách này”, ông Cung nói.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi cơ bản, từ yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu và con dấu có vai trò quyết định giá trị pháp lý đối với văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp, sang “hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh”.
Một khảo sát của CIEM sau thông báo của Văn phòng Chính phủ cho thấy 52% doanh nghiệp đề nghị bỏ con dấu, 30% đề nghị cho doanh nghiệp khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước. Chỉ 18% còn lại đề nghị giữ nguyên các quy định như hiện nay, tức là phần lớn các doanh nghiệp mong muốn có sự thay đổi về con dấu.
Tương tự, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sau ý kiến của Thủ tướng, doanh nghiệp nhìn chung rất hào hứng với quy định doanh nghiệp được tự do quyết định về lượng con dấu, hình dáng con dấu và sử dụng con dấu. Điều lo ngại nhất của doanh nghiệp là nhiều cơ quan nhà nước, nhiều quy định của pháp luật vẫn yêu cầu phải có dấu thì hồ sơ mới hợp lệ.
Tất nhiên, đây không phải là một thay đổi dễ dàng. Ông Cung thừa nhận khi tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp, ông cũng không nghĩ rằng có thể thay đổi được những quy định hiện hành về con dấu.
“Rất may là có cuộc gặp giữa Thủ tướng với Bộ KH&ĐT và khi vấn đề được nêu lên, Thủ tướng đã đồng ý. Đây là thay đổi rất quan trọng nhưng để làm được, chúng ta phải thay đổi rất nhiều luật lệ hiện nay, ngay trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng có một số điều phải sửa đổi tiếp như về vai trò của con dấu khi chứng nhận người góp vốn, chứng nhận cổ phần…”, ông Cung cho biết.
Nguồn: Chinhphu.vn