An ninh trật tự

Thiếu nước sạch, giá nước sinh hoạt “cắt cổ” dân nghèo

14:09, 07/10/2013 (GMT+7)


Tại TP Vinh - Trung tâm kinh tế, chính trị lớn của tỉnh Nghệ An, nhiều nơi người dân thiếu nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt, giá nước như “cắt cổ” đối với dân nghèo, có nơi 6.500 đồng/m3 đến 18.000 đồng/m3 nước, thậm chí có nơi giá cao ngất ngưởng lên gần 40.000 đồng/m3 nước?
 
Năm 2008, các khối 1, 2, Châu Hưng và Yên Giang được tách ra từ xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên và sáp nhập vào phường Vinh Tân. Sau khi sáp nhập về thành phố Vinh, người dân 4 khối này vẫn phải mua nước sinh hoạt của Ban Quản lý nước sạch xã Hưng Thịnh, qua đồng hồ tổng với giá ban đầu là 6.600 đồng/m3.
 
Nhưng do đường ống đã quá cũ, dẫn đến tình trạng thất thoát nước khá lớn, nên người dân phải chi trả phí nước sạch với giá lên tới 9.500 đồng/m3. Đặc biệt, có những thời điểm, người dân nơi đây phải trả tiền nước sạch lên đến gần 40.000 đồng/m3. Vì giá nước sạch cao ngất ngưởng nên một số hộ dân phải chi trả khoảng 300.000 đồng/tháng tiền nước máy.
 
Người dân 4 khối thuộc phường Vinh Tân sử dụng nước máy
với giá cao ngất ngưởng
 
Ông Ngô Xuân Hòa, người được bà con cử đi thu tiền nước tại khối 1, phường Vinh Tân nói: “Chúng tôi trở thành công dân thành phố Vinh từ năm 2007, đến nay đã gần 6 năm nhưng chưa được dùng nước của Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Nghệ An mà vẫn phải dùng nước máy của xã Hưng Thịnh.
 
Nước sạch ở đây cũng lắm lúc chất lượng kém, nếu nhà máy có sự cố dừng cấp nước, đường ống dẫn không có nước chỉ trong một thời gian ngắn, khi mở vòi chảy lại, nước máy có màu đỏ như nước mắm. Nguyên nhân là đường ống dẫn nước đã quá cũ, rỉ sắt có nơi sắp làm thủng đường ống càng gây thất thoát nước rất lớn. Chúng tôi đã lấy mẫu nước trên để đi xét nghiệm”.
 
Còn tại xã Hưng Chính, cách trung tâm thành phố Vinh không bao xa cũng trong tình trạng khan hiếm nước, cháy đường ống. Theo một số hộ dân cho biết, mấy năm gần đây, xã Hưng Chính có nhiều nơi hình thành “điểm” bán nước sạch, rất nhiều người không biết từ đâu, chở nước sạch đến bán cho bà con với giá 13.000 đồng/m3 nước.
 
Dân xã Hưng Chính tuy đã trở thành công dân TP Vinh từ lâu, nhưng vẫn phải mua nước sạch của huyện Hưng Nguyên. Nhưng nước lưu thông với công suất quá yếu, một số gia đình phải mua máy động cơ hút vào bể chứa, nước không thể tự chảy vào bể được. Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Chính rất bức xúc, cuộc họp nào cũng nhắc tới vấn đề nước uống, nhiều lần gửi công văn cho UBND thành phố Vinh đề nghị cấp nước sạch sinh hoạt cho bà con nhưng thành phố vẫn chưa trả lời đến lúc nào mới thực hiện được.
 
Vấn đề thiếu nước sạch cũng cần nhắc tới xã Nghi Kim. Đây là xã đông dân, địa bàn lại nằm gần khu vực bãi rác thải Hưng Đông nên nguồn nước mặt và nước ngầm tại đây không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt trong sử dụng để nấu ăn và nước uống. Trong khi người dân xã Nghi Kim và 4 khối tại phường Vinh Tân phải trả tiền mua nước sạch quá cao, có nơi lên tới gần 40.000 đồng/m3 nước, thì tại các xã Nghi Liên, Nghi Đức, Nghi Ân có gần 1.400 hộ dân vẫn chưa được sử dụng nước máy.
 
Hầu hết người dân những xã này đều đang phải sử dụng nguồn nước ngầm, nước mưa, nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Theo một lãnh đạo UBND TP Vinh cho biết: Thành phố phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% số hộ dân các xã ngoại thành được dùng nước sạch, UBND thành phố Vinh đã lập đề án xây dựng hệ thống cấp nước sạch với tổng kinh phí lên tới 331,5 tỷ đồng.
 
Trong tổng nguồn vốn được phân ra cho các hạng mục: Xây dựng mạng đường ống cấp 1 là 64,6 tỷ đồng; mạng lưới đường ống cấp 2 là 216,7 tỷ đồng; mạng lưới đường ống cấp 3 hơn 50 tỷ đồng. Nhưng do suy thoái kinh tế toàn cầu, đến thời điểm này, dự án trên vẫn chưa được triển khai do thiếu nguồn vốn. Thành phố cũng đang bứt phá huy động vốn đầu tư để dự án quan trọng này sớm được xây dựng, hoàn thành đi vào hoạt động vào thời gian sớm nhất.
 
Nhằm đáp ứng nguồn nước sạch cho người dân tại một số địa bàn dân cư, đặc biệt là vùng mới chuyển qua địa giới hành chính thuộc thành phố Vinh, có nguồn nước dồi dào để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mong rằng, các ban, ngành cấp tỉnh và Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Nghệ An cần có giải pháp hữu hiệu, khẩn trương đầu tư mở rộng lắp đặt thiết bị sản xuất nước sạch cũng như mở rộng mạng cấp nước để cuộc sống người dân sớm được cải thiện.
Hoa Lê

Các tin khác