An ninh trật tự

17583

60 ngày đêm giải cứu con tin

08:00, 02/01/2012 (GMT+7)
Vụ án kinh hoàng từ nguyên nhân lãng xẹt
Nguyễn Văn Thường, tên thường gọi là Thường Lê, sinh năm 1963, trú tại đội 4, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trước thời điểm xảy ra vụ việc, y là một người hiền lành, sống chưa bao giờ làm hại đến bất kỳ ai. Tuy nhiên, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ với người bạn trong làm ăn, y đã biến thành kẻ sát nhân máu lạnh.
 
Trong một lần đi làm gỗ trong rừng, Thường Lê và người bạn là Nguyễn Văn Nhật phát sinh mâu thuẫn về tiền bạc nên mỗi người một đường. Một thời gian sau anh Nhật đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo chế độ con liệt sỹ, còn Thường Lê cũng lên đường Nam tiến. Làm việc được một thời gian, Thường bị đuổi việc, cộng với đau ốm, nghèo túng khiến y vô cớ sinh căm hận anh Nhật, nghĩ anh này đã “nẫng” mất số tiền bán gỗ đáng lẽ có nửa của mình nên y rắp tâm lên kế hoạch trả thù.
 
Tháng 5/1991, Thường biết tin anh Nhật về nước, y bèn lấy trộm khẩu súng của anh trai để đến hỏi tội anh Nhật. 5 giờ sáng ngày 3/5/1991, Thường Lê vác súng tìm đến nhà anh Nhật, vừa gặp đầu ngõ, y đã lạnh lùng bóp cò bắn chết anh này.
 
Đúng lúc ấy, mẹ đẻ anh Nhật cũng vừa về đến, thấy vậy y chĩa súng về hướng bà này bóp cò làm đứt cánh tay phải. Sau khi gây án, y điên cuồng đến xã Sơn Diệm để tìm một người đã đánh y trước đây để thanh toán nhưng không gặp mà chỉ gặp mẹ anh này. Như con thú say mồi, y xả súng vào bà này làm bà chết ngay tại chỗ.
 
Nguyên trưởng Công an xã Hoàng Đức kể lại vụ việc
 
Giết người xong, Thường Lê chạy ra đường đón xe để bỏ trốn. Người lái xe ôm thấy y ôm khẩu súng thì hoảng sợ bỏ xe lại chạy thục mạng. Y giương súng bắn liên tiếp 2 phát nhưng rất may đạn lạc. Đúng lúc ấy, có một chuyến xe đò chạy qua, y đã nhảy lên khống chế, ghí súng bắn xuyên đùi tài xế bắt chạy về xuôi.
 
Mấy ngày sau, y ngang nhiên bồng súng về xã Sơn Quang, thách thức cơ quan chức năng. Nhận được tin, lực lượng công an đã tìm cách thuyết phục đối tượng ra đầu thú nhưng bất thành và chuyên án đặc biệt đã được xác lập.
 
60 ngày đêm giải cứu con tin
Về phía Thường Lê, biết chắc thế nào cũng bị vây bắt nên để đối phó, y luôn giắt hai quả nổ, mỗi quả nặng hơn 1kg và gần 200 viên đạn AK trên ngực để đề phòng khi bị bắt sẽ tự sát. Hành động ấy khiến cả xã Sơn Quang phải di tản như thời chiến. Thường rất cảnh giác, dù cố thủ trong nhà hay đi ra đường đều bắt ít nhất 1 người đi cùng và chỉ cần nghi ngờ có động ở hướng nào là nhằm súng bắn thẳng hướng đó.
 
Hơn tháng trời, cả xã Sơn Quang bị phong toả, nhiều bà già, phụ nữ, trẻ em đều được di tản sang các vùng khác. Một không khí căng thẳng bao trùm đời sống của người dân, sản xuất bị đình trệ nghiêm trọng.
 
Thời đó, Thường chủ yếu nằm ở các gia đình thuộc dòng họ nhà y, mỗi nhà y tá túc một ngày đêm, đến gần sáng thì bỏ đi. Đối tượng nằm lâu nhất ở nhà bà Nguyễn Thị Xanh, bên họ nội cùng một nhà thờ với y, khống chế bắt mẹ con bà phục dịch ăn uống, và làm con tin cho y trong suốt 2 tháng ròng.
 
Trước tình thế đó, Ban chuyên án đã quyết định đào hầm mật phục đối tượng, kết hợp với thuyết phục vận động y tự giao nộp vũ khí ra đầu thú. Đồng thời, một kế hoạch đã được vạch ra. Một số đồng chí được chọn lựa để đi thử súng. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này không được Bộ Công an đồng ý.
 
Con tin của vụ án - bà Nguyễn Thị Xanh
 
Sau nhiều cuộc họp khẩn, phương án vây bắt đã được đưa ra. Lực lượng tham gia được huy động từ nhiều nguồn như Công an Hương Sơn, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự. Phương án cuối cùng là phải tiêu hủy nhà bà Nguyễn Thị Xanh. Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trước mắt là phải giải cứu được 2 con tin đang bị khống chế phía trong. Bằng biện pháp nghiệp vụ, con gái bà Xanh đã được đưa ra ngoài an toàn.
 
Trong khi đó, một số đồng chí cảnh sát đã mai phục sát góc nhà bếp, nhưng do đối tượng đang giam bà Xanh trong buồng, nên rất khó tiếp cận được con tin. Mặc cho công an nổ pháo, lựu đạn cay nhưng Thường vẫn không chịu thả bà Xanh ra. Thời cơ đến khi đối tượng hé cửa buồng túm cổ áo bà Xanh đưa ra ngoài, một chiến sĩ công an nấp sau đống rơm gần đó đã kịp bắn vào tay y.
 
Bị thương, Thường bất ngờ buông tay ra khỏi cổ áo bà Xanh và bà này đã thoát được. Thường loay hoay định vồ theo, tình thế không thể kéo dài hơn nữa, nước cờ cuối được thực hiện, một loạt lựu đạn được ném vào nhà làm cho đối tượng bị thương, nhà cũng bị cháy.
 
Đối tượng vùng dậy ôm súng vụt chạy ra ngoài, lao về hướng nhà thờ và liên tục bóp cò về phía công an. Do đối tượng điên cuồng chống trả nên lực lượng CSCĐ phải xả một loạt đạn hạ gục Nguyễn Văn Thường, kết thúc những tháng ngày kinh hoàng.
 
Nỗi ám ảnh suốt 20 năm
Tròn hai mươi năm sau ngày xảy ra vụ án mạng, tôi lần lượt tìm gặp những người năm xưa đã đối mặt với kẻ sát nhân để giành lại sự sống quý báu, nhiều người trong số họ vẫn chưa hết bàng hoàng khi buộc phải nhớ lại khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời mình.
 
Thậm chí, nạn nhân là con tin năm xưa đã phải mất đi một phần cơ thể, rời xa căn nhà tổ tiên để lại để đến một nơi khác sinh sống vì trong ký ức cuộc đời, thoát khỏi họng súng của kẻ giết người hàng loạt thực sự là thời khắc may mắn hơn cả việc mình được khai sinh ra lần thứ hai.
 
Bà Nguyễn Thị Xanh, nhân vật “đặc biệt” của vụ án nay vẫn còn sống tại xã Sơn Quang. Thời gian đã trôi qua quá lâu nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn trong tâm trí bà Xanh. Năm nay bà Nguyễn Thị Xanh đã bước sang tuổi 68, trí nhớ còn rất minh mẫn. Nhắc lại chuyện cũ, bà Xanh vẫn chưa hết bàng hoàng.
 
Sau khi phá phách ở nhiều gia đình, Thường Lê đến ngả tay xin bà tiền, nhưng bà không có nên y ở lì trong nhà luôn. Có người ác miệng bảo bà bao che cho tội phạm. Hồi đó, gia đình bà không có đồ ăn dư giả, phải chạy cơm từng bữa, vậy mà mỗi khi y đòi ăn ngon, bà lại phải bấm bụng đi vay mượn khắp nơi để có tiền mua con gà, chai rượu.
 
Khoảng thời gian trốn trong nhà bà Xanh, y hoang mang đến điên dại, suốt ngày nhốt mình trong căn buồng nhỏ, khóa trái cửa, ăn uống tiểu tiện, sinh hoạt đều trong phòng, mẹ con bà Xanh phải túc trực trước cửa để phục vụ, dọn dẹp. Ròng rã như thế cho đến ngày công an định đoạt số phận của tên tội phạm giết người này, bà Xanh đã bị bắt làm bức bình phong.
 
Khi biết lực lượng công an ập vào, y túm lấy bà Xanh, ấn bà ngồi xuống giường, một tay cầm súng, một tay cầm chặt cổ áo bà, mặc cho bà khóc lóc van xin. Nỗi sợ hãi bao trùm, bà chỉ biết khóc đến ngất. “Hắn ngồi trong nhà hát nghêu ngao bài "Đá đỏ Quỳ Châu" như để tự trấn an tinh thần mình.
 
Sau khi đối tượng bị bắn chết trong quá trình tháo chạy, bà Xanh cùng con gái thất thiểu dắt tay nhau trở về căn nhà chỉ còn là một bãi tro tàn phủ đen trên nền đất trống trơn. Toàn bộ giấy tờ tổ tiên để lại, đồ đạc trong nhà đều đã thành tro, không còn một đồ dùng nào nguyên vẹn. Những ngày tiếp theo bà và con gái về sống nương nhờ nhà mẹ chồng.
 
Đến khi nguyện vọng xin một miếng đất nơi khác để dựng nhà được chính quyền địa phương đồng ý, cộng với số tiền đền bù, bà gom góp dựng lên được căn nhà nhỏ bên cạnh bờ sông Ngàn Phố. Sở dĩ bà không về lại mảnh đất hương hỏa bởi muốn quên đi nỗi ám ảnh về những tháng ngày kinh hoàng đã qua.

Thiên Thảo

Các tin khác