Kinh tế xã hội
Người đưa ra sáng kiến pháp luật đang ở trạng thái 'lâng lâng'!
08:46, 09/10/2014 (GMT+7)
Bộ Công thương vừa công bố dự thảo Nghị định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia, trong đó quy định các cơ sở kinh doanh bia đảm bảo nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30oC. Nếu dự thảo Nghị định được thông qua, ngân sách Nhà nước sẽ tốn kém vì thêm bộ máy hoặc người uống bia phải mang theo máy đo nhiệt độ (!?).
Bộ Công thương vừa công bố dự thảo Nghị định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia với những quy định khá chặt về điều kiện an toàn. Theo đó, các cơ sở kinh doanh bia ngoài việc tuân thủ các quy định của Bộ Y tế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, các cơ sở kinh doanh bia phải đáp ứng thêm: có hệ thống thông gió, chống nóng để bảo đảm nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30oC.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu sản phẩm bia phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 15cm, cách tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm.
Khi soạn thảo dự thảo Nghị định, có lẽ Bộ Công Thương cũng nghĩ đơn giản là quản thật chặt là an toàn, dễ cho mình, an toàn cho sức khỏe cộng đồng và không trái pháp luật là được. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật, ngoài việc phải đúng luật, còn phải đảm bảo tính thực tiễn.
Ảnh minh họa |
Sản xuất, kinh doanh bia là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định. Việc Bộ Công thương đặt thêm điều kiện ví như “giấy phép con” là không cần thiết, dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu...
Hiện chưa cơ quan nào thống kê đầy đủ cả nước có bao nhiêu cơ sở kinh doanh bia theo các cấp độ (to, nhỏ) khác nhau, cho nên việc đặt ra quy định đảm bảo nhiệt độ và vị trí địa lý nơi kinh doanh bia tính đến cm, là quy định thiếu khả thi, nếu không muốn nói là “tư duy phòng lạnh”. Quy định này áp dụng với các đô thị, thành phố lớn đã khó, nhưng áp dụng với các tỉnh nhỏ, vùng sâu, vùng xa, thì khác gì đếm sao “trên giời”. Nếu quy định này thực thi, cả nước sẽ cần thêm hàng nghìn cán bộ để đến từng cơ sở kinh doanh bia kiểm tra nhiệt độ hoặc người uống bia phải sắm máy đo nhiệt độ mới dám uống bia (!?).
Hai tháng trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt ra quy định thịt và phụ phẩm sau khi giết mổ chỉ được bán trong vòng 8 tiếng. Trước sự phản ứng của dư luận về tính khoa học và khả thi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xin rút lại quy định! Trước đó, Bộ Y tế đưa ra đề xuất ngực lép không được lái xe, nhưng rồi cũng phải xin rút lại!
Rất nhiều chuyện "hài" trong việc đề xuất nội dung của dự thảo các văn bản pháp luật. Việc xây dựng các văn bản pháp luật mang tính khoa học, thực tiễn cao, có giá trị thực hiện trong một thời gian dài không phải dễ, đòi hỏi phải có các chuyên gia có chuyên môn cao, khách quan, có thực tiễn và sự đóng góp ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp và các tầng lớp nhân dân. Còn đối với những đề xuất kiểu như trên hình như người đưa ra sáng kiến pháp luật đang ở trạng thái "lâng lâng, bỗng không nhớ nổi một con đường".
Nguồn: dangcongsan.vn