Kinh tế xã hội
Tập trung phát triển hạ tầng giao thông vùng nguyên liệu
09:47, 08/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, vùng nguyên liệu chè hiện có diện tích trên 6.900 ha, tập trung ở một số huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và vùng rừng trồng nguyên liệu có diện tích trên 150.000 ha, tập trung ở một số huyện Thanh Chương, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu...
Thực tế cho thấy, hiện nay ở hầu hết các địa phương chưa có đường giao thông phục vụ nguyên liệu, chủ yếu một số tuyến đường lồng ghép từ các con đường phục vụ dân sinh được xây dựng trước đó.
Số còn lại là các tuyến đường nhánh vào vùng cây nguyên liệu kết nối với các con đường liên xã, liên thôn do người dân tự lập. Tuy nhiên, những tuyến đường này kết cấu hạ tầng thấp, chất lượng không đảm bảo về mặt đường cũng như hệ thống thoát nước. Vì thế, vào mùa thu hoạch, gặp phải thời tiết xấu, nhiều tuyến đường bị lầy lội, phương tiện không thể tiếp cận được địa bàn, vùng nguyên liệu. Việc khó khăn đối với đường giao thông vào các vùng nguyên liệu sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người nông dân khi bị tư thương ép giá. Chẳng hạn như mỗi ha keo thường mất chi phí vận chuyển từ 3 - 4 triệu đồng, có nơi khó khăn hơn chịu chi phí từ 5 - 7 triệu đồng/ha.
Đường giao thông vào các vùng nguyên liệu ở Quỳ Hợp còn khó khăn |
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã có các chính sách, dự án đầu tư phát triển đường nguyên liệu để phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ, giảm chi phí khai thác và tăng thu nhập của người dân. Đối với vùng nguyên liệu chè, hệ thống đường giao thông chính tập trung tại các nông trường chè cơ bản đã được đầu tư, nhưng chủ yếu là đường cấp phối. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp cần phải đầu tư cải tạo.
Hiện nay, một số dự án cải tạo, nâng cấp, làm mới một số tuyến đường vào vùng nguyên liệu chè đã và đang thực hiện như: Dự án đường nguyên liệu chè Anh Sơn, do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chè Nghệ An làm chủ đầu tư, nâng cấp thành đường nhựa với chiều dài 8 km từ Tổng đội TNXP 2 đi Bãi Phủ, đã hoàn thành; Dự án đường nguyên liệu chè Hùng Sơn (Anh Sơn), do UBND xã Hùng Sơn làm chủ đầu tư, xây dựng mới đường giao thông cấp phối với chiều dài 15 km trong địa bàn xã Hùng Sơn; Dự án đường nguyên liệu chè Ngọc Lâm, do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chè Nghệ An làm chủ đầu tư, nâng cấp thành đường nhựa trong địa bàn Xí nghiệp Chè Ngọc Lâm, hiện tại đang triển khai nhưng chưa được bố trí đủ vốn theo dự toán được duyệt.
Đối với vùng trồng rừng nguyên liệu, do diện tích chủ yếu là đồi núi, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, địa hình dốc cao, bị chia cắt bởi nhiều khe suối... nên việc đầu tư đường giao thông vào vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Do đó, hệ thống giao thông vào vùng trồng rừng nguyên liệu còn thiếu, nhiều nơi chưa được đầu tư. Một số nơi xảy ra tình trạng rừng trồng đến tuổi khai thác nhưng không vận chuyển ra khỏi rừng được hoặc có vận chuyển được thì chi phí rất lớn, gây lãng phí và ảnh hướng đến thu nhập của người làm nghề rừng.
Hiện nay, một số dự án đầu tư xây dựng đường nguyên liệu đã và đang thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng đường nguyên liệu vận chuyển lâm sản, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông làm chủ đầu tư, xây dựng mới đường nguyên liệu với chiều dài 50 km, đến nay đã hoàn thành 19 km, khối lượng còn lại chưa được bố trí vốn; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông gắn với phòng, chống cháy rừng các huyện vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An (giai đoạn 1), do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, xây dựng mới đường nguyên liệu tại các đơn vị Công ty THHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu, Ban quản lý Rừng phòng hộ (RPH) Quỳ Châu, Ban quản lý RPH Quỳ Hợp, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Ban quản lý RPH Tân Kỳ, Tổng đội TNXP 3; với tổng chiều dài 21,25 km. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên, vốn đầu tư cho Dự án chưa được bố trí đủ theo dự toán được phê duyệt.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh trích ngân sách (nguồn khuyến khích ưu đãi đầu tư năm 2014) cấp cho Ban quản lý RPH Tân Kỳ, Nghi Lộc, Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu với số tiền 3,3 tỉ đồng để thực hiện dự án đường lâm nghiệp nội vùng, phục vụ vận chuyển nguyên liệu rừng trồng tại các xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ), Nghi Văn (Nghi Lộc) và Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu.
Từ kết quả trên cho thấy, việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường giao thông vào vùng nguyên liệu chè, rừng trồng đã được UBND tỉnh quan tâm, đầu tư hỗ trợ và giải quyết được việc vận chuyển nguyên liệu một số vùng sản xuất tập trung, cụ thể là các đơn vị nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên, so với nhu cầu xây dựng đường giao thông để vận chuyển nguyên liệu trên địa bàn còn thiếu nhiều, đặc biệt là đường nguyên liệu rừng trồng, kinh phí đầu tư chưa cao, chủ yếu là hỗ trợ xây dựng đường cấp phối, một số ít có cải tạo nâng cấp thành đường nhựa.
Xuân Thống