Kinh tế xã hội
'Kỳ vọng lớn cũng là 'sức ép' với Chính phủ'
10:18, 13/10/2014 (GMT+7)
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng “công nghệ” cải cách mới của Chính phủ sẽ giúp giảm dần tình trạng doanh nghiệp cứ phàn nàn, còn các cơ quan nhà nước thì cứ viện lý do nhu cầu quản lý nên không thể làm khác.
Và trong suốt cuộc trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trở đi trở lại về những nỗ lực cải cách của Chính phủ cũng như trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với tương lai đất nước.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam năm 2014, ngày 19/9/2014. |
“Cải cách đã được đặt lên đường ray”
Cách đây chưa lâu, tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2014, chính ông Vũ Tiến Lộc đã cùng đại diện các hiệp hội ký vào Tuyên bố về chương trình hành động của các doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định sẽ sát cánh cùng Chính phủ xây dựng một nền kinh tế tự chủ, có sức cạnh tranh cao.
Thực tế thì đã hơn một lần và tại hơn một diễn đàn, vị đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói đến “làn sóng cải cách thứ hai”. Tại cuộc trao đổi lần này, ông khẳng định lại một lần nữa như câu trả lời cho những ý kiến còn hoài nghi hay còn ngần ngại, rằng với khuôn khổ hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một bước đột phá mới. Và việc chuẩn bị đại hội Đảng sẽ là một quá trình để tạo ra làn sóng đổi mới thứ hai đó.
“Hiến pháp đã nói rất rõ về quyền tự do kinh doanh và chừng đó đã đủ để “vùng vẫy” lắm rồi. Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng chúng ta chỉ có thể căn chỉnh thể chế hiện tại, bởi trên thực tế là bước đột phá thể chế đã bắt đầu”, ông Lộc thẳng thắn.
Bước đột phá đó chính là Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được Chính phủ ban hành ngày 18/3/2014. “Từ trước đến nay, doanh nghiệp đã phản ánh nhiều về những cản trở, vướng mắc, thế nhưng nhiều cơ quan nhà nước vẫn nói rằng đó chỉ là mong muốn của anh thôi, còn quản lý nhà nước thì phải thế này, thế kia”. Với Nghị quyết 19, Chính phủ đã căn cứ vào các chuẩn mực quốc tế và điều này có sức thuyết phục không thể chối cãi đối với các cơ quan quản lý, ông Lộc phân tích về điều mà ông gọi là “công nghệ”, “chìa khóa” để cải cách.
Cho rằng áp lực cải cách lần này đến “từ trên xuống”, vị Chủ tịch VCCI đưa ra thêm một ví dụ: Khi Thủ tướng nói lời xin lỗi doanh nghiệp tại cuộc gặp hồi tháng 4/2014 thì có những địa phương ngay lập tức phải đổi mới, bởi lời xin lỗi đó chứng tỏ rằng doanh nghiệp phản ánh đúng về những vướng mắc, rào cản thể chế. Tuy nhiên, “Thủ tướng có thể xin lỗi thay cấp dưới nhưng không thể làm thay cấp dưới” và do đó, “phải có một sự đồng tốc với Thủ tướng từ cấp thấp nhất”.
Việc Việt Nam chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ông Lộc đánh giá vừa như một yếu tố buộc chúng ta phải đẩy mạnh cải cách để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, lại vừa như “một quyết định chính trị vô cùng quan trọng, vô cùng dũng cảm của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản lĩnh và tư thế sẵn sàng hội nhập, sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi toàn cầu”, “bởi khi biên giới giữa các quốc gia không còn rõ ràng nữa thì thứ duy nhất để chúng ta cạnh tranh là năng lực cạnh tranh”.
“Cải cách đã được đặt lên đường ray”, kết quả sau hơn 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy rõ ràng chúng ta đã đi đúng hướng, nhưng mở rộng cải cách như thế nào, còn những gì có thể tiếp tục cải cách? Trả lời câu hỏi này, ông Lộc đề nghị phải tiếp tục áp dụng “công nghệ” của Nghị quyết 19 vào mọi ngành, mọi lĩnh vực.
“Chẳng hạn như Thủ tướng nói tại phiên họp Chính phủ vừa qua, hãy áp chuẩn quốc tế vào ngành du lịch xem những nhân tố nào khiến du lịch các nước phát triển đột phá, thị thực thế nào, mở cửa bầu trời thế nào? Tại sao các nước bỏ được thị thực mà chúng ta còn băn khoăn thế, trong khi Việt Nam là một trong nước an toàn, ổn định nhất ? Rồi công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp, những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế nhất, hãy thử áp tiêu chuẩn, cách làm của thế giới vào xem sao?”, ông Lộc sôi nổi.
Sĩ diện của chúng ta, sức mạnh của chúng ta
Nói về tương lai của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc khái quát về tình hình chung: “Sau một giai đoạn khó khăn, đến nay niềm tin đã quay trở lại, nhiều doanh nghiệp đã có thể thở phào rằng “sống rồi” và bắt đầu nhìn đến những vấn đề dài hạn, nhưng nếu không cải cách thì doanh nghiệp vẫn bị bó tay bó chân, không bơi được”.
Những đột phá về thể chế không thể ngay lập tức giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp, song trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp tiên liệu được, dự báo được môi trường kinh doanh, từ đó tính toán những bước đi dài hạn. “Có thể có những doanh nghiệp, những khu vực chớp thời cơ để đột phá, song phần lớn doanh nghiệp sẽ bước đi tuần tự nhưng vững chắc”, ông Lộc dự báo.
Tới đây, “người phát ngôn” của cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu say sưa chia sẻ về một vấn đề vừa cũ vừa mới mẻ mà ông rõ ràng đã ấp ủ không phải chỉ ngày một ngày hai.
Tại bản Tuyên bố đã nhắc đến ở trên, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu lên 2 mục tiêu cho 10 năm tới, đó là có được một triệu doanh nghiệp Việt hoạt động hiệu quả và có một số doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Nay, như muốn nói cụ thể hơn về khát vọng trên, ông Lộc cho rằng sau một giai đoạn phát triển có phần không bền vững vừa qua và tiếp sau đó là một giai đoạn khó khăn, doanh nhân phải bắt đầu một con đường khác để thể hiện lòng yêu nước. Là trước khi nghĩ đến những điều to tát, hoành tráng thì hãy làm tử tế, đàng hoàng từng việc nhỏ, từ hạt muối, chai nước mắm hay lọ tương ớt…
“Chúng ta chưa thể có được những cái lớn, cái khổng lồ trong thời gian còn ngắn thì hãy làm sao để khi người ta nhìn thấy dòng chữ “made in Việt Nam” thì đã đủ để tin cậy, làm sao khi lọ tương ớt Việt Nam đặt cạnh lọ tương ớt của Thái Lan, của Trung Quốc thì người ta lựa chọn Việt Nam”.
Ông Lộc kể lại hai câu chuyện liên quan. Câu chuyện thứ nhất, có một bài báo đã so sánh quả táo xuất xứ từ một nước nọ với quả táo tẩm thuốc độc của mụ phù thủy trong cổ tích, như một ví dụ về những sản phẩm đầy tai tiếng của nước đó. Câu chuyện thứ hai là việc Tổng thống Mỹ mới đây đã mua một chiếc áo “made in Việt Nam” để tặng bà “nội tướng”. Đó như một tín hiệu vui dù còn chưa phổ biến về thương hiệu Việt, cho thấy rằng chúng ta vẫn có cách để khẳng định được mình trong một thế giới cạnh tranh gay gắt.
“Doanh nghiệp đã nói nhiều về lòng yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, về độc lập tự chủ, nhưng trong giai đoạn mới, hãy kết tinh tất cả nhưng điều đó vào từng sản phẩm. Tôi muốn “made in Việt Nam” là sĩ diện của chúng ta, niềm tự hào của chúng ta, là sức mạnh của chúng ta”, ông Lộc nói.
Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cũng có thể góp phần vào thúc đẩy đổi mới thể chế, không chỉ thông qua việc phản biện chính sách hay giám sát các cơ quan nhà nước, mà còn bằng việc chủ động hiến kế về công nghệ quản lý nhà nước cũng như công nghệ sản xuất kinh doanh.
Nhắc lại việc một khách sạn nọ có sáng kiến cung cấp cho du khách những mẩu giấy nhỏ in sẵn một số câu nói, một số từ giao tiếp thông dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh tương ứng, ông Lộc bật mí sẽ phát động một phong trào sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam. Và rộng hơn, VCCI có thể sẽ phát động phong trào mỗi hiệp hội doanh nghiệp một sáng kiến để thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực của mình.
“Có người nói tôi tại sao đánh giá cao Chính phủ như vậy? Tôi trả lời là căn cứ vào thực tế những động thái rất tích cực của Chính phủ. Nhưng mặt khác, khi cộng đồng doanh nghiệp đặt niềm tin, kỳ vọng lớn vào những nỗ lực cải cách thì trách nhiệm của Chính phủ sẽ càng nặng nề hơn, là thách thức và “sức ép” để Chính phủ làm tốt hơn nữa”, ông Lộc kết lại.
Nguồn: Chinhphu.vn