Kinh tế xã hội

Thị trường lao động Hàn Quốc: 'Cánh cửa' đang dần khép lại

14:42, 11/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc EPS (MOU) sẽ hết hiệu lực. Thế nhưng, Việt Nam vẫn là nước phái cử có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao nhất trong những nước phái cử và tình trạng này chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Cánh cửa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc của lao động Việt Nam đang hẹp dần.
 
Tỷ lệ bỏ trốn vẫn cao nhất
 
Theo số liệu gần nhất từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động không về nước đúng hạn trung bình tuy đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng vẫn ở mức khá cao, khoảng 35%.
 
Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam thuộc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã có những cố gắng, nỗ lực và khẳng định quyết tâm sẽ giảm tỷ lệ này xuống. Phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã thực hiện đồng loạt giải pháp, trong đó phía Hàn Quốc đánh giá cao giải pháp ký quỹ 100 triệu đồng cho lao động trước khi xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.
 
Tuy nhiên ông Choi Byung Gie cũng lo ngại, giải pháp xử phạt lao động hết hạn hợp đồng không về nước (100 triệu đồng) của Chính phủ Việt Nam thì chưa phát huy hiệu quả. Theo ông Choi Byung Gie thì với số tiền phạt như vậy, người lao động vẫn ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp vì chỉ cần 3-5 tháng làm việc họ đã đủ tiền phạt rồi.
 
Lao động trở về đúng hạn lam thủ tục trở lại Hàn Quốc làm việc
Lao động trở về đúng hạn lam thủ tục trở lại Hàn Quốc làm việc
 
Mặc dù đại diện hai nước chưa có thảo luận cụ thể về việc có tiếp tục ký tiếp bản ghi nhớ đặc biệt hay không nhưng nhìn vào tỷ lệ lao động bất hợp pháp vẫn ở mức cao, giảm không nhiều so với trước lúc ký MOU đặc biệt thì khó có khả năng Việt Nam giữ được thị trường Hàn Quốc.
 
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ giải thích thế nào khi gần đến thời điểm phải ký lại MOU, mà tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam theo công bố của Bộ Tư pháp Hàn Quốc vẫn ở mức 34-35%, trong khi các nước phái cử khác tỷ lệ này chỉ dưới 15%,” ông Choi Byung Gie nói.
 
Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ) đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình EPS cho biết, mặc dù bản ghi nhớ đặc biệt được ký có giá trị trong vòng một năm nhưng đến nay số lao động Việt Nam được chủ sử dụng lựa chọn đã vượt quá mức hạn ngạch mà phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Nếu bản ghi nhớ đặc biệt về chương trình EPS sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 tới và không được phía Hàn Quốc ký tiếp, việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc sẽ bị hạn chế rất nhiều.
 
Khó khăn vì chênh lệch thu nhập
 
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm (Xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đi Hàn Quốc làm việc trở về từ tháng 4/2014, nhưng đến nay vẫn chưa định hướng được công việc cho tương lai. Ngay khi trở về Việt Nam, vợ chồng chị Thơm cũng đã tìm đến một doanh nghiệp Hàn Quốc xin việc và được hứa trả mức lương 7 triệu đồng/tháng, thế nhưng sau đó chủ sử dụng lại yêu cầu phải làm đêm nên vợ chồng chị Thơm không đồng ý.
 
Người lao đông nộp hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội
Người lao đông nộp hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội
 
“Ở Hàn Quốc chúng tôi làm đêm kiếm tiền rất vất vả nên giờ về nhà muốn tìm công việc ổn định lâu dài mà khó khăn quá. Hiện tại tôi đang làm cho một công ty may với mức lương 3 triệu đồng/tháng, trước mắt cũng chưa biết sẽ làm việc gì để kiếm sống,” chị Thơm tâm sự.
 
Theo chị Thơm, về Việt Nam những lao động có kinh nghiệm như chị không khó kiếm việc làm nhưng mức lương lại thấp, quá chênh lệch so với mức lương ở Hàn Quốc. Đây là nguyên nhân khiến nhiều lao động hết hạn hợp đồng vẫn muốn nán lại làm việc để kiếm thêm tiền.
 
Lường trước được những khó khăn khi hồi hương của lao động Việt Nam, phía Hàn Quốc đã có giải pháp hỗ trợ bằng cách liên tiếp mở các khóa đào tạo nghề miễn phí cho lao động hồi hương để có việc làm trong 3.200 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
 
Các lao động về nước đúng hạn có thể đăng ký các khóa học này trong vòng một tháng để được củng cố thêm tiếng Hàn, khả năng quản lý chất lượng, cách quản lý và kỹ năng máy tính để có thể giữ các vị trí có thu nhập cao hơn trong các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam như là phiên dịch, quản lý chất lượng, người trung gian giữa chủ sử dụng và người lao động.
 
Ông Choi Byung Gie cho biết, hiện nay một năm trung tâm HRD tại Việt Nam đào tạo 500 lao động hồi hương trở về, nếu số lượng đăng ký tăng trung tâm sẽ mở thêm các khóa mới. Tuy nhiên, ông Choi Byung Gie cũng nhận định, có vẻ như lao động Việt Nam vẫn chưa biết nhiều đến các khóa học này nên số lượng đăng ký học không nhiều.
 
Mặc dù liên tục mở các khóa đào tạo, các buổi giới thiệu việc làm cho lao động trở về từ Hàn Quốc nhưng có lẽ chênh lệch mức lương quá lớn vẫn sẽ là trở ngại trong công tác vận động lao động trở về. Chính vì vậy, trong khi việc tuyên truyền, hỗ trợ tạo việc làm thu nhập tốt trong nước chưa thật sự hiệu quả thì cần phải nghiêm túc thực thi các chính sách xử phạt mới có thể góp phần giảm nhanh tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
 
Một số địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao trên 30% như: Bắc Giang (33,7%), Bắc Ninh (31,25%), Hà Nam (38,54%), Hà Nội (34,57%), Hải Phòng (47,17%), Hưng Yên (36,99%), Nam Định (47%), Nghệ An: 46,41%, Quảng Bình (44,83%), TP Hồ Chí Minh (42,59%), Thái Bình (47,19%), Hà Tĩnh (47,08%), Thanh Hóa (37,42%).

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Các tin khác