Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, tình trạng vận chuyển các loại cá như cá trắm giòn, cá quả, ếch… từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ lại “nóng” hơn bao giờ hết.
Vào khoảng 2h ngày 18/10, Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hà Nội (PC46) phối hợp PC67 và Đội QLTT số 8 (Chi cục QLTT Hà Nội) làm nhiệm vụ tại khu vực đầu cầu Phù Đổng, Gia Lâm phát hiện xe ôtô tải BKS 14C - 082.90 nghi vấn đã yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Tại thời điểm này, lái xe Trần Ngọc Thịnh (55 tuổi), trú tại đường 20 Phúc Xá, Ba Đình (Hà Nội) khai chở thuê cho Bùi Đức Tâm (24 tuổi), trú tại khu 3, phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh. Theo Bùi Đức Tâm mua số hàng trên từ Móng Cái có nguồn gốc từ Trung Quốc vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ với số tiền 91 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Tâm đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch số hàng trên.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản phạt chủ hàng Bùi Đức Tâm, số tiền 17 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hoá không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo Khoản 8 Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Sáng 19/10, Đội 6 phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 650kg cá trắm giòn.
Qua tài liệu của cơ quan điều tra, vào tháng 4 và tháng 12/2013, Đội 6 cũng đã 2 lần kiểm tra xử lý đối với lái xe Trần Ngọc Thịnh và xe ôtô trên về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là mặt hàng thuỷ sản, đã xử phạt và buộc tiêu huỷ 1.600kg cá tầm, cá quả, ếch có nguồn gốc Trung Quốc.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số cá đưa đi tiêu hủy |
Trong 2 ngày cuối tháng 8 (24 và 26/8), Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tàu Dân Tiến (Quảng Ninh), lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển cá quả nhập lậu với số lượng 600kg từ Trung Quốc. Trong tháng 7, đơn vị này cũng đã bắt hơn 800kg. Lái xe khai nhận thu gom hàng từ Trung Quốc chở về xuôi tiêu thụ. Đại diện Trạm Kiểm soát liên hợp Bến tàu Dân Tiến cho biết, hầu như tháng nào cũng phát hiện, bắt giữ vài ba vụ vận chuyển cá quả, ếch nhập lậu từ Trung Quốc.
Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hà Nội (PC46) cho biết, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thủy hải sản nhập lậu (đặc biệt là cá tầm, cá trắm) đang “vào mùa” với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi bằng cách hợp thức hóa giấy tờ “hợp lệ” của các trang trại nuôi trong nước để tránh bị lực lượng chức năng bắt giữ. Cá quả, cá trắm giòn, cá chình, ếch… nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh); Tà Nùng (Cao Bằng); Cốc Nam, Chi Ma, (Lạng Sơn)... Cá lậu vào Việt Nam được lén lút vận chuyển về chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai), chợ Long Biên...
Chủ hàng Bùi Đức Tâm khai nhận, 650kg cá trắm giòn có nguồn gốc từ Trung Quốc mang bán lại cho một chủ cơ sở ở chợ cá Yên Sở. Nếu số hàng này trót lọt đưa ra thị trường bán với giá 140 nghìn đồng/kg. Theo cơ quan Công an, loại cá tầm, cá trắm giòn nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội bán với giá 130.000 đồng-150.000đồng/kg, trong khi cá nội giá thành cao - khoảng 200.000đồng/kg, lại nuôi số lượng ít. Do chênh lệch lớn về giá cả, các đối tượng buôn cá lậu đang dùng mọi thủ đoạn để nhập “chui” các loại thủy sản này về bán kiếm lời.
Điều đặc biệt, đa số các lô hàng cá như cá quả, cá chình Trung Quốc khi bị phát hiện đều trong tình trạng bị tiêm thuốc mê để “ngủ đông” trước khi nhập vào Việt Nam. Theo một số lái xe, có tình trạng này là do cá được tiêm thuốc mê, giúp cá sống được lâu hơn, khi vận chuyển từ biên giới về các tỉnh tiêu thụ không bị chết.
Trước thông tin này, khiến người tiêu dùng lo lắng hoang mang về vấn đề an toàn thực phẩm. Một trinh sát Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết, gây mê là phương pháp phổ biến được sử dụng trong quá trình vận chuyển hàng thủy sản tươi sống. Phương pháp này vẫn được gọi là cho cá “ngủ đông” để đảm bảo hàng thủy sản không bị giảm chất dinh dưỡng khi vận chuyển đường dài. Tuy nhiên, việc chủ hàng sử dụng thuốc gì, có nằm trong danh mục hóa chất cho phép hay không là một vấn đề rất quan trọng. Theo quy định, với những lô hàng thủy sản nhập khẩu, nhà nhập khẩu phải khai báo và cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra xem có đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Tuy nhiên, với những lô hàng nhập lậu thì việc kiểm tra, kiểm soát là không có. Vì vậy, cá được tiêm thuốc gì, tồn dư kháng sinh cấm, độc hại hay không cũng không ai hay biết.
Thực tế cho thấy, cái khó trong đấu tranh, ngăn chặn cá Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam không chỉ nằm ở thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, mà còn do kẽ hở trong giám sát, kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán thủy sản nhập lậu của chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương. Các vụ bắt giữ cá nhập lậu vừa qua cho thấy, công tác phối hợp giữa các lực lượng, ngành ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ.
Để ngăn chặn các loại cá nhập lậu, các ngành cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, lên danh sách các đối tượng, đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép thủy sản nhập lậu, xác định các tụ điểm, kho hàng, bến bãi thường xuyên tập kết hàng hóa, các tuyến vận chuyển, phương tiện vận chuyển, nắm quy luật hoạt động, phương thức thủ đoạn hoạt động để phát hiện bắt giữ, xử lý. Lực lượng chức năng cần tạm giữ phương tiện tối đa, có chế tài xử phạt nặng để các đối tượng không có phương tiện hành nghề hoặc nhởn nhơ tái diễn vi phạm như trường hợp lái xe Trần Ngọc Thịnh ở trên.
Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, nếu cá quả Trung Quốc có màu da đen sậm, nhẵn bóng như da rắn thì cá quả Việt Nam lại có màu hơi ngả vàng. Bụng cá quả Trung Quốc khi mổ sẽ nhiều ruột và nhiều mỡ, trong khi cá quả ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Khi luộc, cá quả trong nước có mùi tanh khi mới sơ chế, còn cá Trung Quốc độ nhớt và độ tanh ít hơn. Thịt cá quả Trung Quốc khi luộc chín bị cứng, không thơm và dẻo như cá quả Việt Nam.
|
.