Kinh tế xã hội
Nỗi lo chất lượng
(Congannghean.vn)-Chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân có mối quan hệ chặt chẽ với công tác đào tạo nhân lực ngành y tế. Trong thời gian qua, trước nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo này đang có xu hướng tăng cao, hàng loạt trường đại học, cao đẳng trong và ngoài công lập đã được cấp phép mở một số ngành thuộc khối y, dược. Bên cạnh kỳ vọng giải quyết được phần nào sự thiếu hụt nhân lực ở một số “vùng trũng” về y tế trong một vài năm tới, việc đào tạo ồ ạt khối ngành y, dược mà không có sự kiểm soát chặt chẽ đầu vào khiến nhiều người không khỏi lo ngại về chất lượng đầu ra của đội ngũ bác sĩ, dược sĩ trong tương lai.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng, 49 trường trung cấp và dạy nghề. Dự kiến trong những năm tới, số trường đào tạo sinh viên ngành y, dược còn có chiều hướng gia tăng. Tình trạng nhiều trường “đua nhau” tăng quy mô đào tạo cho thấy y, dược đang là một trong những ngành được giới trẻ ưu tiên lựa chọn nhất hiện nay. Điều đáng nói là, dù gia tăng về quy mô, đa dạng về mô hình và phương thức đào tạo nhưng nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn bởi một thực tế đang diễn ra thời gian qua là chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ ra trường đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, thậm chí là tỉ lệ nghịch với số lượng.
Việc đào tạo theo phong trào đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của cán bộ ngành y tế hiện nay - Ảnh minh họa |
Khi mở rộng quy mô đào tạo nhân lực khối ngành y, dược, đã có sự phân hóa rõ nét giữa các trường trong và ngoài công lập. Trong khi lẽ ra với ngành đào tạo có nhiều nét đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người như ngành y, dược cần những người có năng lực, tố chất thực sự theo học thì điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của một số trường, nhất là các trường ngoài công lập lại quá thấp so với yêu cầu. Có thể dự đoán được phần nào về chất lượng bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng khi ra trường ở những “lò” đào tạo này, khi mà điểm chuẩn xét tuyển đầu vào chỉ ở mức 13 - 14 điểm.
Trong khi đó, ở các trường có bề dày truyền thống đào tạo nhân lực ngành y, dược, điểm chuẩn đầu vào lại cao ngất ngưởng. Trong mùa tuyển sinh năm 2013 vừa qua, điểm chuẩn đầu vào của một số trường đã xác lập mức “kỷ lục”, chẳng hạn: Trường ĐH Y Hà Nội, mức điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa là 27,5 điểm; Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh và ĐH Dược Hà Nội cùng có mức điểm trúng tuyển lên tới 27 điểm; Trường ĐH Y khoa Vinh có điểm trúng tuyển ngành Bác sĩ đa khoa khá cao với 23 điểm… Tình trạng “nở rộ” về quy mô và phương thức đào tạo nhân lực ngành y, dược cùng với mức điểm chuẩn đầu vào quá cách xa nhau giữa các cơ sở đào tạo dẫn tới hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra của sinh viên.
Bên cạnh chất lượng đầu vào, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của nhiều trường đào tạo nhân lực ngành y, dược hiện nay cũng đang “có vấn đề”. Do chạy theo số lượng tuyển sinh, quy mô đào tạo, nhiều cơ sở đào tạo sinh viên y, dược không đủ giảng viên theo quy định đã tìm cách “chữa cháy” bằng việc ký hợp đồng với các giảng viên tại một số cơ sở đào tạo khác hoặc mời các giảng viên, bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu về “thỉnh giảng”.
Khi các đoàn thanh, kiểm tra đến thẩm định thì căn cứ trên hợp đồng đã ký, lượng giảng viên có thể đủ nhưng một số thì chất lượng chuyên môn không đảm bảo, số khác lại ở tình trạng “chân trong chân ngoài”, không chuyên tâm với công tác giảng dạy. Việc chỉ cần đáp ứng những quy định “cứng” như: Số lượng giảng viên, diện tích phòng học, chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT quy định là các trường có thể mở mã ngành đào tạo nhân lực y, dược chính là “lỗ hổng” để không ít trường tìm cách “lách luật” tuyển sinh. Khác với những ngành đào tạo khác, đào tạo sinh viên ngành y, dược liên quan mật thiết đến cơ sở vật chất đồng bộ như: Phòng thí nghiệm, bệnh viện để thực tập…
Do đó, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo sinh viên, kéo theo nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài.
Những lo ngại về công tác tuyển sinh và đạo tạo nhân lực ngành y, dược đặt ra yêu cầu cần thiết phải có một cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với ngành đào tạo có nhiều nét đặc thù này. Bắt đầu từ việc cấp phép mở mã ngành đào tạo cũng như việc thành lập mới các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực y, dược...
Việc thẩm định cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên trước khi cho phép mở ngành đào tạo y, dược cần phải có sự tham gia của các chuyên gia y tế. Chỉ nên cho phép mở mã ngành đào tạo khi đã được kiểm duyệt khách quan, chặt chẽ các điều kiện cần thiết như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, đội ngũ giảng viên…, tránh tình trạng cấp phép mở ngành tràn lan như thời gian qua. Việc phân bố chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở đào tạo cũng cần được kiểm soát chặt chẽ dựa trên năng lực đào tạo thực tế của từng trường.
Trước mắt, cần có những điều chỉnh tổng thể về quy mô đào tạo nhân lực ngành y, dược dựa trên nhu cầu thực tế của từng địa phương, vùng, miền, tránh tình trạng đào tạo tràn lan theo kiểu “phong trào”, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng như đã diễn ra bấy lâu nay.
Bùi Minh Tuấn